Cái mỏ ngoại cỡ

  •  
  • 523

Con chim có cái mỏ ngoại cỡ này mỗi lần ăn trái cây trông vụng về đến khổ sở. Cái cổ của nó phải khỏe lắm mới nâng đỡ nổi cái mỏ nặng nề, nhưng biết làm sao được khi tạo hóa đã bắt nó phải chịu đựng “cái của nợ” đó.

Tuy vậy, nhờ cái của nợ này mà họ hàng nhà nó mới nổi tiếng khắp châu Mỹ, tên thường gọi của loài chim này là toucan, tên khoa học là Ramphastos sulphuratus. Nếu quan sát kỹ ta sẽ thấy cái mỏ của chúng có hình dáng như hai chiếc thuyền úp vào nhau, các cạnh “thuyền” lởm chởm chứ không được trơn nhẵn như mỏ của các loài chim khác. Cái mỏ to lớn được “trang điểm lòe loẹt” với các màu đỏ, đen, xanh, vàng. Tưởng màu mè là vô ích nhưng thực sự điều đó lại có lợi đấy: diều hâu nhìn thấy còn phải sợ!

Chim toucan mỏ thuyền” sống trong hốc cây, thường họp thành các gia đình nhỏ, ăn trái cây và côn trùng lớn. Lông mình chim toucan màu đen, có một dãy lông vàng lớn ở trên đầu, cổ và phần trên của ngực; chân chúng khỏe với hai móng phía trước và hai móng phía sau.

Chim Ramphastos sulphuratus thuộc loại chim lớn (chiều dài cơ thể chim trống trưởng thành khoảng 0,5 mét), bởi cánh ngắn đuôi dài nên chúng bay rất vụng. Chúng có tiếng kêu khá lớn, ấy vậy mà loài chim “màu mè” này lại còn thường xuyên kêu la inh ỏi trong rừng nên còn bị gán cho là “chim nhiều chuyện”.

Điều thú vị nữa là mỗi lứa chim toucan mẹ thường đẻ có 3 trứng, cả chim trống lẫn chim mái cùng thay phiên nhau ấp trứng suốt 16 ngày. Mới chào đời chim non hoàn toàn trần trụi không có một chút lông tơ nào, ba tuần sau khi trào đời chim non mới chịu mở mắt nhìn thế giới xung quanh. Nó ở suốt trong tổ, há mỏ chờ chim bố mẹ mớm mồi. Chim non ở trong tổ như thế suốt từ 44 – 50 ngày trước khi ra ngoài sống cuộc đời tự lập.

Loài chim kỳ cục này chủ yếu phân bố trong vùng đất từ miền Nam Mexico đến miền Bắc Argentina.

T.H
  • 523