“Nhân quả” có tồn tại không? Tại sao khoa học cũng cho rằng nhân quả có thật?

  •   3,25
  • 1.265

Gần như bất kỳ ai cũng từng đặt ra câu hỏi về khái niệm “nhân quả”, dù với những mức độ tin tưởng khác nhau. Còn theo các nhà khoa học và tâm lý học hiện đại thì “nhân quả” là có tồn tại.

Có nhiều định nghĩa và niềm tin về “nhân quả” ở các nước trên khắp thế giới. Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ từ xa xưa ở nước ta cũng có nhiều câu nói đến điều này, như “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, “gieo nhân nào gặt quả nấy”…

Về cơ bản, khái niệm “nhân quả” khuyến khích con người hành động tốt, với ý tốt. Tuy nhiên, cũng có những người cho rằng khái niệm này chỉ nằm ở niềm tin của mỗi người chứ không có thật, vì không có quy luật nào trong khoa học nói về nhân quả cả. Cùng lắm thì chỉ có mối liên quan giữa những hành động cụ thể và kết quả, ví dụ như bạn trồng hạt xoài thì nó sẽ mọc lên cây xoài chứ không phải là cây cam. Đặc biệt, khi thấy những người tốt phải gặp khó khăn hoặc ngược lại, những người không tốt lại sống thoải mái, thì người ta càng dễ nghĩ rằng “nhân quả” không tồn tại.

 Niềm tin ở phương Đông hay phương Tây đều nói đến việc "gieo gì gặt nấy".
Niềm tin ở phương Đông hay phương Tây đều nói đến việc "gieo gì gặt nấy". (Ảnh minh họa: Freepik).

Tuy nhiên, theo trang WebMD - trang thông tin y tế của Mỹ được coi là một trong những nguồn tin có cơ sở khoa học đáng tin cậy nhất thế giới, thì “nhân quả” là có thật, dựa trên phân tích thông thường về cách sống.

Chẳng hạn, khi một người làm việc tốt cho người khác, hành động đó sẽ khiến họ có cảm giác vui, đồng thời để lại một ấn tượng, một ảnh hưởng sâu sắc. Việc thường xuyên hành động tốt khiến người đó có tâm lý tích cực, tính cách tử tế và đó là lý do khiến họ cũng dễ nhận được sự giúp đỡ khi họ cần.

Ngược lại, khi một người hành động với ác ý, làm hại người khác thì dù họ không tin vào nhân quả, họ cũng sẽ dễ có những cảm xúc tồi tệ, không vui vẻ gì. Riêng tâm trạng và cảm xúc tiêu cực như thế đã có thể khiến cuộc sống của họ u ám và dễ gặp rắc rối hơn rồi.

Theo bài viết được duyệt về mặt khoa học bởi Tiến sĩ Y khoa Poonam Sachdev ở Mỹ thì những phân tích trên là hoàn toàn hợp lý về mặt tâm lý học. Cho nên “nhân quả” không nhất thiết là phần thưởng hay sự trừng phạt siêu nhiên, mà liên quan đến suy nghĩ, ý định, hành động của con người.

Vì vậy, tất nhiên không phải 100% chuyện gì cũng có nhân quả rõ ràng, và có những chuyện tình cờ, ngẫu nhiên vẫn xảy ra trong cuộc sống. Nhưng theo phân tích tâm lý học thì những người tin vào nhân quả thường hạnh phúc hơn và có những mối quan hệ tốt hơn, đơn giản vì nói chung, họ thường lựa chọn làm những việc tốt cho người khác và cho cả chính mình.

Cập nhật: 01/04/2024 hoahoctro.tienphong
  • 3,25
  • 1.265