Cảnh quay hiếm về "vòi rồng lửa" trên Mặt trời

  •  
  • 410

Nhiếp ảnh gia thiên văn người Mỹ hôm 21/6 phát hiện một vòng xoắn plasma khổng lồ phun ra từ bề mặt Mặt trời, vươn cao hơn 19.000km.

Hiện tượng được gọi là lốc xoáy Mặt trời hay vòi rồng lửa xảy ra do các cấu trúc từ trường xoắn ốc phát triển từ Mặt trời và bám vào bề mặt ngôi sao ở cả hai đầu. Khi một cột plasma bắn lên bên trong cấu trúc này, nó sẽ được dẫn hướng dọc theo từ trường xoắn của cấu trúc, làm cho plasma quay và tạo thành một vòng xoắn.

Vòng xoắn plasma khổng lồ phun ra từ bề mặt Mặt trời. 
Vòng xoắn plasma khổng lồ phun ra từ bề mặt Mặt trời.

Nhiếp ảnh gia thiên văn Apollo Lasky từ Naperville, bang Illinois, đã ghi lại cảnh tượng hiếm gặp này vào hôm 21/6 bằng kính thiên văn năng lượng Mặt trời từ sân sau nhà, theo Space Weather.

Các chuyên gia thời tiết vũ trụ ước tính vòng xoáy plasma vươn cao tới 12.000 dặm, tương đương 19.312km, đủ lớn để "nuốt chửng" hành tinh của chúng ta nếu đến gần.

Space Weather cho biết thêm rằng hệ thống bão Mặt trời này không ném vật chất về phía Trái đất. Thay vào đó, hầu hết plasma đều rơi trở lại Mặt trời sau cơn lốc dữ dội.

Mặt trời đã tiến vào giai đoạn hoạt động mạnh nhất trong chu kỳ 11 năm của nó - bắt đầu từ năm 2019 và dự kiến đạt cực đại vào năm 2025. Điều này kéo theo với sự gia tăng các tia sáng Mặt trời và sự giải phóng đáng kể plasma cùng với từ trường đi kèm từ vành nhật hoa.

Hôm 21/6, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cũng báo cáo phát hiện một vết đen có kích thước lớn gần gấp ba lần Trái đất trên bề mặt Mặt trời. Vết đen mang tên AR3038 có khả năng tạo ra lóa mạnh về phía hành tinh của chúng ta, dẫn đến các cơn bão địa từ đe dọa lưới điện và vệ tinh nhân tạo.


(Video: Apollo Lasky)

Cập nhật: 27/06/2022 VnExpress
  • 410