Cấp thuốc Tamiflu cho các địa phương

  •  
  • 83

Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ hơn 420.000 viên Tamiflu trong số thuốc dự trữ cho 64 tỉnh thành, các cơ quan trực thuộc và các bộ ngành. Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cho biết, mỗi đơn vị sẽ được cấp khoảng 3.000-10.000 viên.

Hơn 400.000 viên thuốc kể trên nằm trong số 600.000 viên Tamiflu mà Đài Loan viện trợ vài tháng trước. Số còn lại sẽ được dự trữ để điều phối khi cần thiết.

Để đảm bảo số thuốc trên được sử dụng đúng mục đích, Bộ Y tế vừa ra văn bản yêu cầu các sở y tế, bệnh viện không bán Tamiflu được cấp ra thị trường, thậm chí là ở nhà thuốc bệnh viện, vì đây là số thuốc nằm trong kế hoạch dự trữ quốc gia, phục vụ phòng chống dịch. Tamiflu chỉ được dùng cho những người bị nhiễm cúm A/H5N1 với sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Để kiểm soát chặt chẽ hơn, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu để tìm ra một cách nào đó trong việc cấp số đăng ký để phân biệt rõ ràng Tamiflu cho kế hoạch phòng chống dịch và Tamiflu mà các công ty nhập về để bán tự do.

Về văcxin phòng H5N1, ông Trịnh Quân Huấn cho biết, Bộ Y tế đang chờ Tổ chức Y tế Thế giới gửi kết quả kiểm nghiệm các mẫu văcxin cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sản xuất trước khi tiến hành thử nghiệm trên người. Các mẫu này sẽ được kiểm tra tính kháng nguyên xem có đủ khả năng gây miễn dịch trên người hay không. Ông Huấn cho biết, đến nay, không thể nói trước khi nào chế phẩm này được sản xuất đại trà. Chỉ có thể trả lời câu hỏi này khi việc thử nghiệm trên người hoàn tất. Về nguyên tắc, khi cho ra đời một văcxin mới, yếu tố quan trọng nhất là thực nghiệm lâm sàng. Cần theo dõi xem sau khi tiêm bao lâu thì cơ thể sản xuất đủ kháng thể phòng bệnh, và tác dụng này kéo dài bao lâu, có thể là vài tháng, hoặc nhiều năm. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phải xác định thời hạn bảo quản của chế phẩm để đưa vào hướng dẫn sử dụng.

Thứ trưởng nhận xét, gần đây, tuy cả 3 miền đều có tiếp nhận các ca viêm đường hô hấp cấp nhưng nguyên nhân chủ yếu là do cúm hoặc viêm phổi dạng thông thường, phần lớn được chữa khỏi. Dịch cúm ở gia cầm cũng đã dịu bớt, hiện chỉ còn 14 tỉnh có dịch.

Theo Vụ Điều trị, trong số bệnh nhân viêm đường hô hấp nhập viện gần đây có một nhân viên thú y từng trực tiếp tiêu hủy gia cầm. Người này được đưa vào bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM ngày 6/12 với triệu chứng viêm phổi. Hiện chưa có kết quả xét nghiệm bệnh phẩm của người này.

Theo VnExpress
  • 83