Cashout Việt - phiên bản mới của Mafia

  •  
  • 852

Hình thành những đường dây tội phạm công nghệ cao xuyên lục địa, khép kín, chuyên đánh cắp tài khoản tín dụng, “rửa” tiền và hành xử theo luật riêng của giới cashout.

Casher – người chuyên thực hiện hành vi xâm nhập trái phép tài khoản tín dụng của người khác để đánh cắp tiền – một dạng tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao, giờ được xem như phiên bản mới của những tên mafia.

Trong “thế giới” của những Casher – gọi chung là “Cashout”, hoặc “underground“ – họ hành xử với nhau bằng những luật lệ riêng. Lợi nhuận sau mỗi phi vụ được chia % sòng phẳng, đồng tiền bẩn được “rửa” sạch bong khi về đến tay Casher và nếu có kẻ lật lọng, họ sẽ bị “xử đẹp” theo luật của Cashout.

Theo điều tra, hầu hết các Casher có tuổi đời rất trẻ, có trình độ, khả năng về công nghệ thông tin và đa số Casher đang ngồi trên ghế nhà trường, phần nhiều là sinh viên, nhưng không ít còn đang là học sinh cấp 3. Điều đáng quan ngại và đau lòng!

“Mạng lưới mafia”

Casher Nguyễn Đình Cường cúi đầu lúc bị bắt. Ảnh: Phan Công

Qua nhiều ngày tìm hiểu, một Casher có nickname: Killer (*) đã đồng ý tiết lộ các hoạt động của giới Cashout. Đầu tiên, Killer khái quát cho tôi hiểu: “Anh cứ hình dung nó như một mạng lưới mafia quốc tế!” 

Nhận thấy mình hơi bị choáng, sau khi được Killer “khái quát” một cách dễ hiểu, nhưng càng đi sâu vào câu chuyện, tôi nhận ra, điều Killer khái quát dường như không sai và không nói quá. Chỉ có điều, Cashout không “đầu đường xó chợ”, như một số băng nhóm mafia trong các bộ phim hành động.

Với Casher thứ thiệt, họ không cần biết mặt nhau, dù nằm cùng trong một mạng lưới. Thế nhưng, khi cần “hành xử” những kẻ trái luật Cashout, họ có cách riêng và đảm bảo không “xử” nhầm. Đó là một điều chắc chắn mà Killer đảm bảo.

Trong mạng lưới của Cashout, Casher giữ vai trò tổ chức, trực tiếp đánh cắp và xâm nhập trái phép vào tài khoản tín dụng của người nước ngoài. Dưới Casher có người trung chuyển (thường gọi là Drop), có nhiệm vụ giao nhận hàng đã được “shipping” (mua hàng trực tuyến). Drop “nằm vùng” ở nước ngoài, thường là du học sinh Việt Nam hoặc người nước ngoài. Sau đó, hàng được mang đi bán, quy ra tiền, và cầm tiền mặt gửi về Việt Nam cho Casher sau khi đã nhận huê hồng.

Để đảm bảo cho đường dây hoạt động an toàn và tránh “hậu quả” khi bị cơ quan công an sờ gáy, tất cả các thành viên trong Cashout chỉ quen biết nhau thông qua những cái nickname trên “Yahoo! Messenger”.

Mô tả một cách đơn giản như vậy, nhưng thật ra, bên trong đường dây Cashout có muôn sự phức tạp. Thậm chí có cả “người giám sát”, hoặc “bảo kê”, để phòng khi Drop trở mặt trước những món hàng lớn, số tiền nhiều, thì xử theo luật của Cashout.

Casher Tô Phúc Hậu bị áp giải ra xe sau khi bị bắt. Ảnh: Phan Công.

Theo Killer cho biết, luật của Cashout có 2 cách trừng phạt khi Drop trở mặt, hoặc theo “luật quốc tế”, hoặc theo “luật rừng”. Nếu theo “luật quốc tế”, gửi một lá thư điện tử (trap) đến cho FBI (nếu Drop ở Mỹ), tố giác Drop với đầy đủ các bằng chứng về hành vi đánh cắp tài khoản tín dụng. Nếu theo “luật rừng”, Drop bị đe dọa, hoặc gây thương tích, thậm chí “head shot” nếu cần thiết.

Thường thì chọn “Luật rừng” để hành xử nếu Drop trở mặt!” – Killer nói. Lúc này, tôi thật sự choáng và ngập ngừng hỏi: Đã có Drop nào bị “head shot” chưa?

Killer thẳng thừng: “Em thì chưa đủ trình độ đó, chủ yếu vẫn thường dùng cách gửi trap tới FBI, hoặc shipping thật nhiều vào địa chỉ của Drop, tất nhiên, ngân hàng sẽ nghi vấn và vài ngày sau, cảnh sát sẽ đến hỏi thăm!

Để đổi lấy công việc mạo hiểm này, các Drop thường được chia phần trăm rất cao, thường 50 – 70% trên số tiền của một món hàng shipping thành công. Vì vậy, Drop chẳng dại gì dám trở mặt, nếu Casher trực tiếp không phải loại mới chập chững vào “nghề”.

Bên cạnh đó, còn có cả hệ thống của một số ngân hàng sẵn sàng nhận các giao dịch chuyển tiền cho các Casher.

“Rửa” tiền

Để đồng tiền phạm pháp về nằm rủng rỉnh trong túi được “sạch bóng”, Casher tính các bài toán để “rửa tiền”. Điều đó, với một số Casher là cần thiết, để đảm bảo độ an toàn của mình và tránh tai, mắt của cảnh sát.

Sau khi đánh cắp thông tin và làm chủ tài khoản tín dụng của cá nhân nào đó, Casher sẽ lang thang trên các website bán hàng trực tuyến ở các nước có thương mại điện tử phát triển như Mỹ, Canada… để shipping. 

Khi đã chọn được món hàng ưng ý, Casher lại lướt sang một website khác rao bán món hàng đó. Có khi không cần chuyển khoản, mà giao hàng trực tiếp, tận nhà và lấy tiền tươi, nếu nơi đó có Drop nằm trong đường dây Cashout.

Casher Tô Phúc Hậu luôn cố gắng né ống kính phóng viên lúc bị bắt. Ảnh: Phan Công.

Sau đó, Casher thực hiện lệnh để shipping và Drop thực hiện phần tiếp theo của công việc nhận món hàng đó, rồi trung chuyển đến một chủ nhân khác đã đăng ký mua lại, lấy tiền. Khi đã nhận số tiền của mình theo phần trăm được chia, Drop mang tiền gửi vào một tài khoản trung gian của một ngân hàng nào đó. Tiếp theo, ngân hàng trao lại quyền sở hữu tài khoản cho người nhận.

Ở Việt Nam, Casher chỉ cần mang thẻ chứng minh nhân dân và trang bị một số thông tin về người gửi và mật khẩu đã được Drop trao cho Casher trước đó là có thể nhận tiền một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, với Casher “cáo già”, họ chẳng bao giờ sử dụng chứng minh thư thật để lưu lại dấu vết giao dịch. Một nguyên tắc ngầm mà những Casher gạo cội phải nắm vững. Vì thế, đồng tiền vào túi Casher được “rửa” sạch bóng và họ ung dung xài.

Một hình thức “rửa tiền” khác được các Casher sử dụng là sau khi chiếm đoạt tài khoản tín dụng của người nước ngoài, họ lấy số tài khoản đó chi cho những cuộc đánh bạc trực tuyến trên internet.

Nếu thua, họ sẽ dùng tài khoản tín dụng đánh cắp được để chi trả. Nếu thắng, Casher sẽ yêu cầu chuyển tiền về một tài khoản trung gian và sau đó trút thẳng vào túi. Đồng tiền này cũng được “rửa” sạch bong. Tuy nhiên, cách này ít khi được sử dụng, tuỳ thuộc vào Casher có máu cờ bạc hay không.

Với những hình thức tổ chức và rửa tiền như thế, Cashout vẫn ung dung hoạt động và tin rằng, hành vi phạm pháp của họ sẽ khó bị phát hiện bởi những chứng cứ ngoại phạm của họ rất cao. Thậm chí, lúc nguy khốn, họ có thể hy sinh cả Drop, xoá sạch nick name, dấu vết trên mạng, bẵng đi một thời gian rồi đâu sẽ vào đấy. Vì tất cả là ảo, chỉ có tiền vào túi họ là có thật.

Nhưng thực tế đã khác, có nhiều Casher gạo cội đã bị tóm, nhiều nhóm Cashout đã bị công an phá…

Phan Công

Theo VietNamNet
  • 852