Cầu An Bình được xây dựng từ các khối đá to, dài hơn 2 km, nằm ở phía tây thành phố Phúc Châu, Trung Quốc.
Cầu An Bình nguyên thủy bắc ngang qua cửa sông Shijing, phân chia thị trấn An Hải, Tân Giang ở phía đông con sông và thị trấn Thủy Đầu, Nam An ở phía tây con sông. An Hải là tên gọi trước đây của An Bình, được dùng để đặt tên cho cây cầu.
Cầu được xây dựng từ năm 1138 đến năm 1151 trong thời Nam Tống (Thiệu Hưng). Đến đời nhà Minh và nhà Thanh, cầu cũng thường xuyên được tu bổ. Cầu bao gồm 331 nhịp dầm bằng đá hoa cương được xếp theo hình chiếc thuyền, nhịp lớn nhất nặng 25 tấn. Dọc theo cầu có bốn trụ đá xây dựng cách điệu thành bốn ngôi chùa hình vuông và hai ngôi chùa hình tròn đối xứng nhau ở mỗi bên. Cầu cũng có 5 ngôi đình làm nơi nghỉ chân, nhưng hiện nay chỉ còn lại một.
Các nhịp cầu được xếp theo hình thuyền (nhọn ở phần đầu) nhằm mục đích tạo sự thông thoáng cho dòng chảy của nước.
Cửa sông Shijing ngày nay bị lắng bùn phần lớn ở khu vực này, và con sông chảy qua bên dưới cầu đã bị thu hẹp. Do đó, cây cầu hiện nay chủ yếu đi qua một chuỗi các hồ, ao, cách nhau bởi một vùng đất ngập nước. Một đường cao tốc hiện đại chạy ngang qua sông Shining vài trăm mét về phía nam của cầu An Bình trên một cây cầu khá ngắn.
Do vào thời đó không có chất kết dính như xi măng hiện nay, nên các thanh đá hoa cương chủ yếu xếp chồng lên nhau theo một trật tự nhất định. Số nhịp cầu lên đến hơn 300 dù chiều dài của nó chỉ hơn 2 km. Tuy nhiên, cầu vẫn duy trì tình trạng khá tốt sau gần 900 năm tồn tại.
Cầu An Bình hiện nay là một di tích lịch sử quốc gia được bảo vệ. Các khu vực xung quanh cầu hiện đang được phát triển thành công viên.