Cây sả chữa bệnh thông thường

  •  
  • 6.694

Cây sả có tác dụng xua muỗi, ruồi khi trồng trong vườn. Rễ sả giã nát xát vào vết chàm mặt trẻ em. Sả có tên khác là cỏ sả, sả chanh, hương mao. Sả thuộc họ lúa Poaceae (Gramineae), tên khoa học là Cymbopogon nardus Rendl.

Cây sả (Ảnh: kalyx)Cây cỏ lớn, cao 1 - 2 mét. Lá hình dải, mép sắc, bẹ lá dài. Hoa mầu tím hoặc nâu hồng.

Cả cây sả thường được dùng tươi. Thân rễ có thể phơi khô. Tinh dầu sả là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị và là nguyên liệu được dùng trong kỹ nghệ mỹ phẩm, thực phẩm và dược phẩm. Sả cho một loại tinh dầu chứa nhiều thành phần khác nhau. Do đó, người ta chọn trồng những giống sả đáp ứng mục đích sử dụng của tinh dầu.

Thu hoạch sả lúc trời nắng, lá sả để tươi hoặc phơi héo để cất tinh dầu, thân rễ cắt riêng, phơi khô.

Cây sả có nhiều công dụng tốt:

Cả cây đem trồng ở quanh nhà, ngoài vườn để xua đuổi ruồi, muỗi, dĩn, có tác dụng tốt trong công tác phòng bệnh.

Lá sả cùng với lá tre, lá cúc tần, lá bưởi, lá hương nhu... mỗi thứ 50 gam, nấu nước rồi xông cho ra mồ hôi chữa cảm, cúm, sốt, nhức đầu. Lá sả nấu nướng gội đầu làm sạch gầu, trơn tóc, được phụ nữ thường dùng phổ biến để tránh những bệnh về tóc và da đầu.

Rễ sả giã nát, đem xát vào vết chàm chữa chàm mặt ở trẻ em. Rễ sả phối hợp với củ gấu, vỏ rụt, vỏ quít, hậu phác (mỗi thứ 6 - 12 gam), sắc với 400 mililít nước còn 100 mililít uống trong ngày. Chữa tiêu chảy.

Tinh dầu sả được dùng uống dưới dạng giọt, mỗi lần 3 - 6 giọt pha trong si rô và nước thành nhũ tương có tác dụng chữa đầy bụng, đau bụng, thông trung tiện và chống nôn. Ở một số nước châu Âu, nước sả có đường là một loại nước giải khát được nhiều người ưa thích.

Tinh dầu sả còn phối hợp với nhiều loại tinh dầu khác dùng xoa bóp làm giảm đau xương, đau mình chữa tê thấp.

Dược sĩ Đỗ Huy Bích

Theo Sách Thuốc từ cây cỏ và động vật, ND, TN
  • 6.694