Chân dung cậu bé 8 tuổi sống cách đây 30.000 năm

  •   42
  • 3.687

Các chuyên gia đã phục dựng thành công khuôn mặt cậu bé người Neanderthal với một số đặc trưng như mũi hếch, từ một hộp sọ được tìm thấy trong hang động ở Uzbekistan.

Nhóm nhà khoa học từ Đại học Cát Lâm (Trung Quốc) và Đại học quốc gia Moskva (Nga) phục dựng khuôn mặt của cậu bé 8 tuổi người Neanderthal chết cách đây hơn 30.000 năm từ hộp sọ được tìm thấy năm 1938, Mail hôm 19/1 đưa tin.

Gương mặt cậu bé 8 tuổi người Neanderthal.
Gương mặt cậu bé 8 tuổi người Neanderthal. (Ảnh: Đại học Cát Lâm)

Đây là bản phục dựng ba chiều đầu tiên từ hóa thạch hộp sọ của người Neanderthal, cho thấy cậu bé có một chiếc mũi hếch. Hộp sọ này cũng là hóa thạch Neanderthal đầu tiên được phát hiện ở châu Á và là hóa thạch hộp sọ hoàn chỉnh duy nhất của người Neanderthal châu Á được bảo tồn đến nay.

Nhóm nghiên cứu tin rằng, bản phục dựng cho thấy hình dạng khuôn mặt của người tiền sử ở lục địa Á-Âu và thể hiện các đặc điểm hình thái của người Neanderthal ở Trung Á.

Hộp sọ mang tên Teshik-Tash 1, được tìm thấy trong một hố nông trong hang Teshik-Tash ở Uzbekistan cùng 5 cặp lõi sừng dê núi Siberi và xương chim. Điều này cho thấy cậu bé được chôn cất theo một nghi lễ cổ xưa nào đó.

Tuy nhiên, đến năm 2021, cậu bé mới được các nhà nghiên cứu từ Viện Max Planck xác định là người Neanderthal. Nhóm nghiên cứu phân tích xương trán và cho biết, hình dạng này khớp với các hộp sọ của người Neanderthal từng ghi nhận.

Phân tích ADN cũng chỉ ra, Teshik-Tash 1 mang ADN ty thể của người Neanderthal. Cậu bé khoảng 8 tuổi, nghĩa là đủ trưởng thành về thể chất để bộc lộ những điểm đặc trưng của người Neanderthal như khuôn mặt và vùng mũi lớn, hộp sọ dài và thấp, hàm dưới không rõ cằm, cung lông mày nổi.

Hộp sọ nguyên gốc được tái tạo từ khoảng 150 mảnh vỡ. Nhóm nghiên cứu từ Đại học Cát Lâm và Đại học quốc gia Moskva tải lên bản quét hộp sọ và lấp những mảnh còn thiếu, sau đó phủ lên cơ bắp, da và hoàn thiện các đặc điểm trên khuôn mặt cậu bé.

"Hóa thạch của người Neanderthal - họ hàng đã tuyệt chủng của người hiện đại - được phát hiện lần đầu tiên ở Thung lũng Neanderthal, Đức, và từng sinh sống rộng rãi ở lục địa Á-Âu", Zhang Quanchao, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Cát Lâm, cho biết.

Giới chuyên gia từng cho rằng người Neanderthal chỉ sinh sống tại châu Âu trong kỷ băng hà cuối cùng, nhưng một nghiên cứu của Đại học Washington năm 2015 cho thấy, họ có thể đã đi xa hơn về phía đông và sống cùng người hiện đại ở đó lâu hơn so với những gì các nhà khoa học từng nghĩ.

Cập nhật: 26/08/2024 VnExpress
  • 42
  • 3.687