Chàng trai 18 tuổi tái hiện toàn bộ vũ trụ bằng game Minecraft

  •   4,73
  • 1.155

Đam mê Minecraft - một trò chơi xây dựng nổi tiếng, Christopher Slayton đã tạo ra các lỗ đen, ngôi sao và thiên hà... theo một cách vô cùng ấn tượng.

Christopher Slayton, 18 tuổi, là một game thủ đam mê Minecraft từ lâu. Với một trò chơi cho phép người ta tạo ra lâu đài, vách đá và các đồ vật khác nhau bằng cách sử dụng khối lập phương, thì Slayton đã có một ý tưởng vô cùng táo bạo.

Chàng trai 18 tuổi đã dành hơn 2 tháng để tạo ra các lỗ đen, ngôi sao và thiên hà... nằm trong tầm có thể quan sát từ Trái đất chỉ bằng chiếc máy tính cá nhân và trò chơi Minecraft được tải sẵn.

Sau khi chia sẻ trên các mạng xã hội như Twitter, Reddit, Youtube... thành quả của Slayton đã khiến cộng đồng mạng bùng nổ: Video của anh chàng trên Youtube thu hút 3,7 triệu lượt xem sau một tuần đăng tải. Trên Reddit hay Twitter, mọi người đều tỏ ra kinh ngạc về mức độ chi tiết và rộng lớn của mô hình.

"Tôi đang làm gì với cuộc sống của mình vậy?" Slayton cho biết trong phần mô tả của video. "Tôi đã ngồi trong căn phòng nhỏ xíu, và ướt đẫm mồ hôi suốt 8 giờ đồng hồ để cố gắng tạo ra những đường cong trên một lỗ đen".

Sao Thổ được Slayton tái hiện trong trò chơi Minecraft với độ chính xác cực cao
Sao Thổ được Slayton tái hiện trong trò chơi Minecraft với độ chính xác cực cao. (Ảnh trích từ clip).

Theo chia sẻ, vấn đề đầu tiên mà Slayton gặp phải là cố gắng tái tạo mặt tối và mặt sáng của các hành tinh như Trái đất, sao Hỏa... trong một trò chơi không hề có nguồn sáng.

Slayton cũng phải quan sát ảnh chụp rất tỉ mỉ, đồng thời áp dụng toán học nâng cao để tái tạo lại các lục địa và bề mặt của một hành tinh theo một tỷ lệ chính xác nhất có thể.

Với công trình của mình, Slayton hy vọng rằng anh sẽ thông qua Minecraft để thu hút cộng đồng và nhà đầu tư vào các dự án về đa vũ trụ, siêu vũ trụ hay đa chiều.

Cập nhật: 18/10/2022 Dân Trí
  • 4,73
  • 1.155