Thủ phạm phá hoại những nỗ lực trở lại ăn uống điều độ của bạn sau một dịp cuối tuần thả sức no nê chính là não.
Các phát hiện mới từ nghiên cứu của Trung tâm Dược Tây nam đại học Texas cho thấy môt phần chất béo trong một vài loại thức ăn sẽ tiến vào não chúng ta. Ở đó, phân tử chất béo khiến não ra mệnh lệnh cho các tế bào cơ thể phớt lờ tín hiệu kìm nén sự thèm ăn từ leptin và insulin – những hormone tham gia vào quá trình điều tiết trọng lượng cơ thể.
Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện rằng hiện tượng kể trên đặc biệt xảy ra đối với loại chất béo mang tên axit panmitic.
Tiến sĩ Deborah Clegg, giảng viên ngành nội khoa tại đại học Texas phát biểu trên tờ The Journal of Clinical Investigation số ra tháng 9 vừa qua: “Thông thường, cơ thể sẽ tự biết khi nào chúng ta đã ăn đủ no, nhưng điều này không phải lúc nào cũng xảy ra nếu chúng ta ăn một món rất ngon miệng.”
“Điều chúng ta thấy qua nghiên cứu này là toàn bộ quá trình hóa học diễn ra trong não bộ có thể thay đổi qua một khoảng thời gian rất ngắn. Kết quả cho thấy khi bạn ăn một món giàu chất béo, não sẽ ‘nhiễm’ các axit béo, và bạn bỗng trở nên kháng lại insulin và leptin,” tiến sĩ Clegg nói tiếp. “Và vì não bộ không bảo bạn rằng đã đến lúc ngừng ăn, bạn sẽ tiếp tục ăn nhiều quá mức.”
Tiến sĩ Clegg cho biết ở các loài động vật, hiệu ứng này kéo dài trong 3 ngày. Điều này có khả năng lí giải vì sao rất nhiều người nói họ cảm thấy mau đói hơn bình thường vào các ngày thứ 2 đầu tuần, sau khi đã ăn uống no nê vào thứ 6 hay thứ 7.
Thủ phạm phá hoại những nỗ lực trở lại ăn uống điều độ của bạn sau một dịp cuối tuần thả sức no nê chính là não. (Ảnh: iStockphoto) |
Mặc dù các nhà khoa học đã biết rằng ăn nhiều chất béo có thể gây nên hiện tượng “kháng” insulin, người ta vẫn chưa biết nhiều về cơ chế dẫn tới hiện tượng này cũng như loại chất béo cụ thể nào dễ gây ra tình trạng này nhất. Tiến sĩ Clegg nói bà nghi ngờ não bộ có thể đóng vai trò nào đó trong hiện tượng “kháng” insulin, vì não dung nạp một phần chất béo mà chúng ta ăn vào – dù đó là các loại dầu có lợi cho sức khỏe hay các loại chất béo no không mấy được khuyên dùng trong bơ và thịt bò.
Từ những nghi vấn này, nhóm nghiên cứu cố gắng làm rõ ảnh hưởng của chất béo trên não động vật. Các nhà nghiên cứu tiến hành đưa chất béo vào cơ thể động vật theo nhiều cách khác nhau: tiêm các loại chất béo khác nhau vào não, truyền chất béo vào cơ thể qua động mạch cảnh, hay cho động vật ăn đồ béo qua ống xông cắm ở miệng ba lần mỗi ngày. Các con vật đều nhận được lượng calo và chất béo như nhau, khác biệt duy nhất là loại chất béo được đưa vào. Những dạng chất béo được sử dụng trong thí nghiệm bao gồm: axit panmitic, axit béo đơn không no, và axit oleic.
Axit panmitic là một axit béo no phổ biến xuất hiện trong nhiều loại thức ăn như bơ, pho mát, sữa và thịt bò. Ngược lại, axit oleic là một trong những loại axit béo không no phổ biến nhất – dầu nho và dầu oliu là những nguồn cung cấp axit oleic thường gặp.
“Chúng tôi thấy rằng axit panmitic đặc biệt làm giảm khả năng của leptin và insulin trong việc hoạt hóa các đợt truyền tín hiệu nội bào,” tiến sĩ Clegg nói. “Axit oleic thì không.”
Tiến sĩ Clegg cho biết mặc dù đây là kết quả tiến hành trên động vật, nhưng nó cho phép đưa ra khuyến nghị rằng mọi người nên hạn chế việc nạp các loại chất béo no vào cơ thể. “Nó sẽ khiến bạn ăn nhiều hơn,” bà nói.
Theo tiến sĩ, một phát hiện quan trọng nữa là cơ chế này bắt đầu từ não bộ, và nó là khởi nguồn của những dấu hiệu béo phì trên cơ thể sau này.
Các nhà nghiên cứu khác đến từ đại học Texas cùng tham gia vào nghiên cứu còn có: tiến sĩ Carol Elias - giảng viên ngành nội khoa, Boman Irani và William Holland - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại cùng đơn vị. Ngoài ra, các nhà khoa học của đại học Cincinnati, Hệ thống Y tế thung lũng Tennessee, trường Dược đại học Vanderbilt và đại học Paris cũng có nhiều hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu.
Công trình được tài trợ kinh phí bởi Viện nghiên cứu Quốc gia các bệnh về Thận, Tiêu hóa và Tiểu đường.