Chất oxytocin tăng sự bền vững hôn nhân

  •  
  • 774

Trên Tạp chí Biological Psychiatry, một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Thuỵ Sĩ nói về hiệu quả của oxytocin - một hoá chất có trong cơ thể được mệnh danh là “hocmon của tình yêu” - đến quan hệ giữa hai vợ chồng.


Oxytocin có thể giúp hôn nhân bền vững. (Ảnh Vietnamnet)

Các nhà nghiên cứu đã tuyển chọn những cặp vợ chồng trẻ, cho họ sử dụng oxytocin và giả dược (placebo) để đối chứng trước khi gây ra giữa họ các cuộc tranh luận mang tính đối kháng. Trong thí nghiệm, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng oxytocin đã làm dịu sự gay gắt, thái độ ứng xử và giảm cả nông độ chất cortisol trong nước bọt (gây ra stress) so với trường hợp dùng giả dược.

Tác giả của nghiên cứu Beate Ditzen nhận xét là, nghiên cứu đầu tiên này của bà rất có ý nghĩa, vì bước đầu nó đã đánh giá được tác dụng của một chất ảnh hưởng đến tâm lý vợ chồng “Oxytocin đã giúp chúng ta một hướng điều trị hành vi nhận thức, tạo thuận lợi cho tương tác giữa vợ và chồng trong những sinh hoạt gia đình và làm cho cả hai bên dễ nhất trí với nhau trước nhiều vấn đề khó giải quyết. Nhưng có lẽ nó không thay thế được những phương thức trị liệu cơ bản” – bà nói.

Các nhà khoa học cảnh báo nghiên cứu này chưa chứng minh rằng bản thân oxytocin nên dùng trong điều trị và chưa chắc hiệu quả của nó sẽ lặp lại. Hơn nữa, về mặt đạo đức học, người ta phải cân nhắc nên dùng ở mức độ nào vì không được phép áp dụng các phương pháp điều trị bệnh tâm thần đối với người bình thường cũng như xuất hiện sự e ngại nó có thể trở thành một loại dược phẩm bị lạm dụng dưới dạng “chất ổn định tâm lý xã hội”.

"Chúng ta bắt đầu hiểu được tác động đầy hiệu quả của các hocmon và những hoá chất do cơ thể sản sinh ra trong bối cảnh các tương tác xã hội quan trọng” – ông John Krystal, biên tập viên của Tạp chí trên, nói: “Khi những kiến thức về lĩnh vực này tăng lên, vấn đề làm thế nào để sử dụng tốt nhất khả năng của oxytocin để thay đổi những quá trình xã hội bằng dược liệu học sẽ trở thành một vấn đề quan trọng về mặt đạo đức”.

Theo Scienceagogo, Vietnamnet
  • 774