Châu Âu chuẩn bị thăm dò sao Kim

  •   52
  • 993

Châu Âu đã sẵn sàng gửi một tàu vũ trụ lên sao Kim, hành tinh gần nhất với trái đất và là một nhà kính khổng lồ, được miêu tả là "người anh em sinh đôi xấu xa" của trái đất.

Con tàu Venus Express sẽ được phóng lên từ một tên lửa Soyuz của Nga tại Trung tâm vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, vào ngày 26/10. Nó sẽ bay vào quỹ đạo của sao Kim trong năm tới và sử dụng các thiết bị khoa học để nghiên cứu hành tinh này trên không trung.

Sao Kim đã từng chứng kiến hiệu ứng nhà kính xảy ra trong chớp nhoáng, vì vậy các chuyên gia cho rằng nó có thể cung cấp đầu mối về quá trình tiến hoá của trái đất.

Về bề mặt, sao Kim và trái đất dường như tương tự nhau, chúng có cùng kích cỡ, khối lượng và được sinh ra từ cùng một đám mây khí. Nhưng sự tương đồng chỉ dừng ở đó. Nhiệt độ bề mặt ở sao Kim có thể lên tới 460 độ C và bầu khí quyển dày đặc tạo ra sức ép bề mặt tương tự như ở dưới sâu hàng km trong đại dương ở trái đất.

Con tàu Venus Express sẽ thực hiện cuộc thám hiểm đầu tiên trên bầu khí quyển sao Kim, để hé mở tia sáng về việc hành tinh này đã hình thành nên khí hậu địa ngục đó như thế nào.

Các tầng mây tạo nên cơn mưa axit hấp thụ ít hơi nóng từ mặt trời hơn so với trái đất, cho dù nó là hành tinh gần mặt trời thứ 3. Nhưng một khi bị hấp thu, năng lượng mặt trời bị mắc kẹt trong bầu khí quyển gồm 96% là CO2. Điều đó đã dẫn tới hiệu ứng nhà kính xảy ra tức thì, đồng thời tác động của núi lửa cũng góp phần làm khí hậu nóng lên nhanh chóng.

"Sao Kim đã phát triển theo cách hoàn toàn khác với hành tinh của chúng ta", nhà khoa học Andrew Coates nói. "Theo một cách nào đó, nó là kẻ song sinh xấu xa của trái đất".

Con tàu thăm dò Magellan của Mỹ đã từng phát hiện trên sao Kim những dòng chảy nham thạch dày đặc. "Tôi cho rằng sao Kim có hoạt động núi lửa rất mạnh nhưng chúng ta vẫn chưa biết chắc", giáo sư Fred Taylor tại Đại học Oxford nói.

Con tàu của Cơ quan vũ trụ châu Âu (Esa) sẽ điều tra vấn đề này trong một sứ mệnh kéo dài 2 ngày sao Kim, tương đương với 500 ngày trên trái đất.

M.T. (theo BBC)

Theo VnExpress
  • 52
  • 993