Chiều 13-3, Đội Y tế dự phòng Q.Thủ Đức cho biết mấy ngày qua trên địa bàn quận chưa phát hiện thêm ca viêm màng não do não mô cầu.
Đội y tế dự phòng Thủ Đức phun hóa chất diệt khuẩn xử lý môi trường khu vực dịch bệnh khu nhà trọ của công nhân ở khu phố 2, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM (ảnh chụp chiều 13-3-2006, TTO) |
Chiều cùng ngày, bác sĩ Lê Thị Thu Thảo - trưởng khoa hồi sức cấp cứu người lớn Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết ở VN những ca bị viêm màng não do não mô cầu chủ yếu là do vi khuẩn type B gây ra.
Việc chích ngừa não mô cầu type A và C hiện nay chỉ có thể phòng ngừa được vi khuẩn hai type này, còn B và D chưa có vắcxin phòng bệnh. Vì vậy biện pháp phòng bệnh tốt nhất vẫn là giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt cá nhân và cải thiện môi trường sống.
Cũng theo bác sĩ Thu Thảo, bệnh viêm màng não do não mô cầu xuất hiện rải rác trong năm, không theo mùa rõ rệt như những bệnh khác. Nhưng yếu tố dễ làm phát sinh bệnh là môi trường sống chật chội, không đảm bảo vệ sinh, hoặc khi thời tiết chuyển từ mùa khô sang mưa, mưa sang khô. Hằng năm tại BV Bệnh nhiệt đới chỉ tiếp nhận điều trị rải rác một vài ca, ở các địa phương khác nhau, thời gian cách xa nhau, chứ không tập trung nhiều ca mắc trong một thời gian ngắn như lần này.
Bệnh có hai thể nặng và nhẹ, có người bị nặng, có người bị nhẹ là do sức miễn dịch của mỗi người khác nhau. Thể nhẹ là khi bệnh nhân (BN) bị viêm màng não đơn thuần, hoặc vừa viêm màng não vừa nhiễm trùng huyết. Khi hồi phục sức khỏe, hiếm khi để lại di chứng về thần kinh. Riêng thể nặng là khi BN chỉ có nhiễm trùng huyết, nếu ở dạng nhiễm trùng huyết tối cấp thì rất khó cứu chữa.
Từ ngày 27-2 đến 9-3, BV Bệnh nhiệt đới tiếp nhận điều trị liên tiếp bốn BN bị viêm màng não do não mô cầu đều thuộc Q.Thủ Đức. Trong đó hai người nhập viện ngày 9-3 đã tử vong sau đó vài giờ. Còn BN V.A.T. (24 tuổi) nhập viện ngày 28-2 và N.V.H. (1987) nhập viện ngày 4-3 đã hồi phục sức khỏe tốt, dù khi nhập viện đã trong tình trạng sốt cao, trụy mạch, xuất huyết da.
Riêng BN N.V.H. ở trọ cùng phòng với 14 người khác, BV đã vận động những người này xét nghiệm, trong đó một người có kết quả dương tính với não mô cầu (mang mầm bệnh) nhưng không có triệu chứng bệnh và đã được điều trị. Theo bác sĩ Thu Thảo, nhiều khi người mang mầm bệnh lại không phát bệnh, nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người khác.