Chiếc bẫy để tìm kiếm trí tuệ nhân tạo

  •  
  • 8.156

Các nhà thiên văn đang rất quan tâm đến việc tìm kiếm nền văn minh ngoài Trái đất và kiên trì nghiên cứu những tín hiệu có thể xuất phát từ trí tuệ nhân tạo.

Chương trình SETI (Tìm kiếm nền văn minh ngoài Trái đất) bắt đầu ở Mỹ từ năm 1960, người ta hy vọng rằng những tín hiệu vô tuyến từ vũ trụ thu được sẽ chứng tỏ sự tồn tại của một nền văn minh nào đó ngoài hành tinh. Năm 1962, Liên Xô đã gửi vào vũ trụ những tín hiệu đầu tiên gồm 3 từ “Hoà bình, Lênin, CCCP”.

Việc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh vẫn chưa có bất cứ kết quả đáng kể nào.

Lúc đầu người ta dự định gửi đi số “Pi”, một hằng số quen thuộc đối với bắt kỳ một trí tuệ nào trong vũ trụ nhưng không được trả lời nên đã phải chọn phương án khác. Năm 1995, người ta thành lập thêm dự án SETI@home (Tìm kiếm nền văn minh ngoài Trái đất tại nhà).

Đã có hàng nghìn người tình nguyện từ khắp thế giới tham gia giải mã những tín hiệu từ vũ trụ trên chiếc PC đặt ngay trên bàn làm việc tại nhà, nhưng hiện chưa thu được một dẫn chứng nào đáng kể.

Nhiều nhà khoa học đã bắt đầu coi nghịch lý Fermi (“nếu trên thế giới có hàng triệu người sống thì tại sao chúng ta không nghe thấy họ”) không phải là nghịch lý nữa mà là một sự thừa nhận đáng buồn về tính đơn nhất của sự sống trên Trái đất.

Tuy nhiên, một trong những người ủng hộ SETI, nhà thiên văn học Seth Shostak, người đã rất lâu năm theo dõi về UFO cho rằng giữa việc phát minh ra sóng vô tuyến và sự tạo ra trí tuệ nhân tạo tại những hành tinh có người ở khác trong vũ trụ cần rất nhiều thời gian.

Ví dụ, trên Trái đất, việc tìm ra sự liên lạc bằng sóng vô tuyến tính đến năm 2010 đã là 120 năm, nhưng chỉ ở thời đại này, chúng ta mới tạo ra được “cơ chế số” (digital mechanism) - tức là các chương trình máy tính có khả năng tiến hoá. Nhiều ngưòi đứng về phía Shostak quan niệm “người ngoài hành tinh” không phải là những sinh vật cụ thể như chúng ta mà là những trí tuệ nhân tạo có khả năng tự quản và tự tiến hoá.

Để trí tuệ nhân tạo lan truyền ra vũ trụ cần vật chất và năng lượng, Seth Shostak đã đưa ra đề nghị hướng các kính viễn vọng của mạng SETI vào những đối tượng (bất ngờ vì chưa ai nghĩ đến) là những ngôi sao trẻ, nóng, nơi đó không có sự sống hữu cơ. Và nhiệt độ cao gần những ngôi sao có thể là thích hợp với trí tuệ nhân tạo.

Hiện nay, dự án SETI chỉ như một “phong trào quần chúng” của những người tình nguyện, hiếu kỳ được tài trợ không quá hào phóng. Có thể nghĩ rằng Tiến sĩ Seth Shostak đang “gồng mình” lên để có sự đảm bảo mới cho việc nghiên cứu chưa tìm được lối thoát này. Việc tìm kiếm những trí tuệ ngoài Trái đất tuy cần phải bỏ ra đến hàng triệu đôla, nhưng chỉ ngang với giá bán một chiếc... xe tăng thì vẫn chưa tìm được nhà hảo tâm.

Theo Vietnamnet
  • 8.156