Không còn hy vọng tìm thấy các nạn nhân sống sót, chính phủ Nepal đã quyết định ngừng hoạt động tìm kiếm để chuyển sang công tác tái thiết, giúp những người còn sống vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn hiện nay.
9 ngày sau khi xảy ra trận động đất kinh hoàng làm hơn 7.200 người thiệt mạng, chính phủ Nepal đã chính thức đề nghị các đoàn cứu hộ nước ngoài kết thúc hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, do không còn hy vọng tìm thấy người sống sót trong các đống đổ nát.
Sau thảm hòa động đất, hàng triệu người dân Nepal đã mất trắng nhà cửa và đang cần sự giúp đỡ kịp thời để tái thiết cuộc sống (Ảnh: Irishtimes)
“Chúng tôi đã quyết định chấm dứt công tác tìm kiếm các nạn nhân động đất và 34 đội cứu hộ nước ngoài đã được yêu cầu trở về nước”, Ngoại trưởng Nepal Mahendra Bahadur Pandey tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 4/5 tại thủ đô Kathmandu với đại sứ của hơn 20 quốc gia.
Ngay sau khi xảy ra trận động đất kinh hoàng 7,9 độ richter ở Nepal hôm 25/4, hàng chục quốc gia đã cử các đội cứu hộ đến Nepal để giúp tìm kiếm những người sống sót.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nepal, có 76 đội cứu hộ và 70 đội y tế với hơn 4.050 nhân viên, 129 chó nghiệp vụ từ hơn 34 quốc gia đã đến tham gia công tác cứu hộ tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do động đất.
“Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của cộng đồng quốc tế dành cho Nepal trong thời điểm khó khăn này nhưng giờ là lúc phải chuyển sang công tác tái thiết sau động đất”, Ngoại trưởng Pandey nói.
Đại diện Bộ Nội vụ Nepal vẫn kêu gọi những người có chuyên môn trong công tác tái thiết tiếp tục ở lại giúp đỡ quốc gia Nam Á này.
“Họ đã có thể về nước, nhưng nếu có chuyên môn trong việc thu dọn các đống đổ nát thì họ có thể ở lại”, ông Rameshwor Dangal nêu rõ.
Để chuẩn bị cho công tác tái thiết, chính phủ Nepal đã thành lập Quỹ phục hồi và tái thiết (RRF) với mục tiêu quyên góp 2 tỷ USD. Chính phủ nước này cũng đã chuyển ngay 200 triệu USD cho quỹ và kêu gọi các nước chung tay giúp sức cho hàng nghìn người dân mất nhà cửa ở Nepal.
“Đóng góp từ cộng đồng quốc tế sẽ giúp ích đáng kể cho tiến trình phục hồi sau thảm họa động đất”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nepal khẳng định.
Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã thông qua khoản hỗ trợ tài chính và viện trợ khẩn cấp trị giá 20 triệu euro giúp Nepal xử lý hậu quả trận động đất hôm 25/4 vừa qua.
Trong khi đó, Mỹ điều trực thăng quân sự tới Nepal tham gia công tác thăm dò, đánh giá thiệt hại động đất tại các vùng hẻo lánh và vận chuyển hàng cứu trợ. Trước mắt, 4 máy bay Osprey và 1 máy bay C-17 của Không quân Mỹ đã đáp xuống thủ đô Kathmandu hôm 3/5.
Theo thống kê, trận động đất mạnh 7,9 độ richter đã làm 7.276 người thiệt mạng, 14.362 người bị thương, phá hủy ít nhất 200.552 ngôi nhà và làm hư hại 186.285 ngôi nhà khác.
Trong số những người thiệt mạng có 58 người nước ngoài. Ngoài ra còn khoảng 52 người nước ngoài khác bị thương và 112 người mất tích.
Tuy nhiên, con số thương vong vẫn chưa dừng lại và có thể tăng lên tới 10.000 người.
Liên Hợp Quốc ước tính trận động đất ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của khoảng 8 triệu trong số dân 28 triệu dân của Nepal./.