Tàu NASA đâm tiểu hành tinh làm văng 10 triệu kg vật chất

  •  
  • 342

Vụ va chạm giữa tàu DART với tiểu hành tinh Dimorphos khiến 1 - 10 triệu kg vật chất bắn ra không gian, cho thấy hiệu quả của thử nghiệm.

Tàu Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) của NASA đã lao vào tiểu hành tinh nhỏ mang tên Dimorphos cuối tháng 9, chuẩn bị cho tình huống con người cần làm chệch hướng một tiểu hành tinh gây nguy hiểm cho Trái Đất trong tương lai. Nhóm DART cho biết, vụ va chạm khiến thời gian hoàn thành một vòng quỹ đạo của Dimorphos xung quanh tiểu hành tinh lớn hơn, Didymos, rút ngắn 32 phút. Con số này vượt xa kỳ vọng ban đầu.

Chiếc đuôi lớn của Didymos khoảng hai tháng sau tác động của DART.
Chiếc đuôi lớn của Didymos khoảng hai tháng sau tác động của DART. (Ảnh: Đài thiên văn Magdalena Ridge/NM Tech)

Các nhà khoa học chia sẻ những phát hiện mới về vụ va chạm trong hội nghị thường niên của Hiệp hội Địa vật lý Mỹ diễn ra tại Chicago ngày 12-16/12. Nhiều kết quả mới tập trung vào phần đuôi giống sao chổi hình thành do các mảnh vỡ từ vụ va chạm. Ngoài ra, nhóm nhà khoa học cũng chia sẻ hai con số quan trọng mà họ tính toán được.

Đầu tiên, họ ước tính có ít nhất 1 triệu kg, thậm chí có thể lên tới 10 triệu kg, mảnh vỡ bắn ra từ tiểu hành tinh. Tổng khối lượng của Dimorphos là khoảng 5 tỷ kg. Do đó, tiểu hành tinh có thể chỉ mất 0,2% vật chất.

Con số thứ hai là "hệ số truyền động lượng", hay beta, hướng đến mục tiêu chính của nhiệm vụ DART. Các nhà khoa học sử dụng con số quan trọng này để đánh giá hiệu quả của một vụ va chạm với tiểu hành tinh. Nếu tàu vũ trụ đâm trực diện vào tiểu hành tinh mà không tạo ra bất kỳ mảnh vỡ nào, thì tiểu hành tinh sẽ thu được chính xác động lượng mà con tàu có khi va chạm, beta bằng 1.

Các mảnh vỡ từ tiểu hành tinh văng ra không gian sẽ tạo thêm động lượng cho tiểu hành tinh, làm tăng dần hệ số beta của vụ va chạm. Nhóm nhà khoa học tính toán, hệ số beta của DART là 3,6. Con số này cho thấy Dimorphos thu được nhiều động lượng gấp hơn 3 lần và các mảnh vỡ do vụ va chạm tạo ra ảnh hưởng đến tiểu hành tinh nhiều hơn chính con tàu.

"Đây là tin rất tốt cho kỹ thuật va chạm động lực học. Ít nhất trong trường hợp của DART, vụ va chạm thực sự hiệu quả trong việc thay đổi quỹ đạo của mục tiêu", Andy Cheng, trưởng nhóm điều tra DART tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins, cho biết.

Các tính toán cũng cung cấp cho giới khoa học dữ liệu thực tế để hiểu các đặc điểm của tiểu hành tinh ảnh hưởng như thế nào đến việc truyền động lượng. Đây là dữ liệu thiết yếu giúp xác định độ lớn của tàu vũ trụ khi muốn ngăn chặn thảm họa. "Người kế nhiệm" của DART, tàu vũ trụ Hera của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), dự kiến phóng vào năm 2024, cũng sẽ đóng vai trò quan trọng sau khi tiếp cận cặp tiểu hành tinh Dimorphos và Didymos để nghiên cứu cận cảnh.

Cập nhật: 19/12/2022 VnExpress
  • 342