Chiếc đĩa bí ẩn trong lăng mộ Hoàng tử Sabu

  •  
  • 891

Nền văn minh Ai Cập cổ đại để lại nhiều kỳ quan do con người tạo ra. Từ những kim tự tháp hùng vĩ, những bức tượng khổng lồ đến những ngôi đền dành để ướp xác… các di tích cổ kỳ vĩ và tráng lệ có ở khắp mọi nơi.

Một số tàn tích không khó nghiên cứu với người đời sau, nhưng một số khác bao phủ quanh chúng một màn bí ẩn. Trong số này có “Đĩa Sabu”, một vật thể bằng đá kỳ lạ.

Chiếc đĩa trong lăng mộ Hoàng tử

Bất cứ ai đến thăm bảo tàng cổ vật ở Cairo đều ngạc nhiên trước sự phong phú của những hiện vật đang được lưu giữ và trưng bày. Từ những báu vật được tìm thấy trong lăng mộ Tutankhamun, đến tượng pharaoh và xác ướp, tất cả đều được bảo quản rất tốt. Tuy nhiên, có một vật dụng giản dị dễ bị khách tham quan bỏ qua, đó là “đĩa Sabu”.

Nhà khoa học Walter Bryan Emery và chiếc đĩa Sabu được phục chế.
Nhà khoa học Walter Bryan Emery và chiếc đĩa Sabu được phục chế.

Cổ vật này hình tròn, đường kính khoảng 61 cm, cao 10,4 cm, được phát hiện năm 1936 bởi nhà Ai Cập học nổi tiếng người Anh, Walter Bryan Emery. Từ năm 1935 - 1939, ông đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát và khai quật ở khu vực chôn cất Saqqara.

Đây là nơi an nghỉ của nhiều nhân vật có địa vị cao từ các triều vua đầu tiên. Saqqara là một trong những nghĩa địa lâu đời và lớn nhất Ai Cập cổ đại.

Walter Bryan Emery và nhóm của ông đã thu được nhiều vật phẩm quan trọng và có giá trị, nhưng không có thứ gì kỳ lạ như “đĩa Sabu”. Emery phát hiện nó trong lăng mộ của Hoàng tử Sabu, con trai của Pharaoh Anedjib nổi tiếng thuộc Vương triều thứ nhất.

Dù không kế vị ngai vàng của cha mình, nhưng ông vẫn được an táng ở Saqqara. Theo Emery, Sabu có thể là một quan chức cấp cao, cai trị một tỉnh, cả dưới thời trị vì của Pharaoh Den (có thể là ông nội của Sabu) và cha ông là Anedjib.

Mastaba (lăng mộ) của hoàng tử Sabu được phát hiện ở rìa cao nguyên về phía Bắc Saqqara, nằm cách kim tự tháp bậc thang Djoser 1,7 km. Được gọi là “Tomb 3111”, lăng mộ được Emery khai quật vào ngày 10/1/1936. Nó gồm có 7 buồng an táng, mỗi buồng chứa nhiều vật dụng dành cho người chết.

Buồng lớn nhất chứa thi hài của Hoàng tử Sabu cùng nhiều đồ tùy táng. Hầu hết trong số này không có gì khác thường, chẳng hạn như xương động vật, dụng cụ bằng đá lửa, bình gốm, đồ vật bằng ngà voi, bát đá. Nhưng có một món nổi bật khiến Emery phải chú ý, đó là một chiếc đĩa kỳ lạ bị vỡ thành nhiều mảnh.

Sau khi được ráp lại một cách cẩn thận, đĩa Sabu đã thu hút nhiều nhà Ai Cập học hàng đầu. Vật thể hình đĩa, giống như một cái bát có đáy tròn và ba thùy được chạm khắc rất mỏng, ngăn cách với vành bằng ba lỗ hai mặt lồi.

Ở giữa đĩa là một ống mỏng, đường kính khoảng 10 cm. Vật thể này làm bằng đá metasiltstone, một số nơi khác gọi là đá phiến. Đây là loại đá xốp, dễ vỡ, khó chạm khắc, đặc biệt với những chi tiết tinh xảo, dễ bị bong ra và vỡ vụn khi bị các vật dụng khác áp vào. Do đó, bí ẩn đầu tiên ở chiếc đĩa này là làm sao nó được chạm khắc và tồn tại lâu dài như vậy?

Khu vực chôn cất Saqqara, nơi có lăng mộ hoàng tử Sabu.
Khu vực chôn cất Saqqara, nơi có lăng mộ hoàng tử Sabu.

Chiếc đĩa dùng để làm gì?

Đầu tiên, cần xem xét tuổi của đĩa. Lăng mộ của hoàng tử Sabu có niên đại khoảng 3.000 năm trước Công nguyên, như vậy tính đến nay, chiếc đĩa có tuổi đời ít nhất 5.000 năm.

Người ta tin rằng các công cụ được sử dụng vào thời đó được làm bằng đá và đồng, khá khó khăn khi chạm khắc, nếu không muốn nói là không thể, trên một vật liệu mỏng manh dễ vỡ như đá phiến.

Bí ẩn tiếp theo là mục đích khi làm ra vật thể này. Ngay sau khi được phát hiện, chiếc đĩa bị “bỏ qua”, xem như một “bình hoa”, “lư hương”, hay đơn giản chỉ là một vật trang trí thông thường trong các nghi lễ. Nhưng nhiều người với kiến thức cơ bản về cơ học và kỹ thuật lại cho rằng nó là một phần của hệ thống máy móc nào đó.

Một nhà sử học nghiệp dư tin rằng ông có thể giải đáp được bí ẩn này. Sử dụng máy in 3D, ông tạo ra một phiên bản chính xác của đĩa Sabu, trong nỗ lực chứng minh nó là một “cánh quạt”, bộ phận của máy bơm ly tâm. Khi được đặt trong chiếc vỏ và được đẩy với tốc độ cao qua trục nhỏ ở tâm của nó, đĩa có khả năng chuyển nước cực kỳ hiệu quả.

Một thực tế ủng hộ giả thuyết này: Ai Cập cổ đại phụ thuộc vào thủy lợi. Họ hoàn thiện hệ thống tưới tiêu trong khu vực, giúp kiểm soát nước lên, xuống của dòng sông, giúp tăng năng suất cây trồng, phát triển nông nghiệp. Do đó, việc thiết kế một thiết bị hỗ trợ tưới tiêu là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, đá phiến không phải là vật liệu rắn chắc cho cơ chế bơm nước. Từ đó, phát sinh một giả thuyết khác: Đĩa Sabu là phiên bản mô phỏng vật thể đã có từ trước. Những người theo giả thuyết này cho rằng, đĩa Sabu là bản sao bằng đá phiến của một nguyên bản được làm từ kim loại, có thể thuộc về một nền văn minh cổ hơn, trước lịch sử sớm nhất của Ai Cập cổ đại.

Theo tác giả nổi tiếng người Thụy Sỹ, Erich Von Daniken, một trong những ngưởi đề xướng lý thuyết về người ngoài hành tinh, “Đĩa Sabu” là bản sao bằng đá một thành phần bên trong thiết bị tốc độ cao của một con tàu ngoài hành tinh, hoặc đơn giản hơn là mô hình bằng đá của một chiếc đĩa bay.

Theo một số nhà khảo cổ, chiếc đĩa này được chế tạo với mục đích đơn giản là bện các sợi lại thành dây thừng chắc chắn. Giả thuyết này không vững chắc vì người Ai Cập không tạo ra chiếc đĩa tỉ mỉ như vậy chỉ làm công việc này, trong khi họ đã có các phương pháp dệt từ rất sớm.

Cuối cùng, đĩa Sabu được thiết kế để bơm nước là giả thuyết dễ được chấp nhận nhất. Các thí nghiệm sử dụng bản sao chiếc đĩa rất thành công như một phần của hệ thống bơm nước.

Mặc dù hoàng tử Sabu đã sống cách nay 5.000 năm, điều đó không có nghĩa là ông và những người cùng thời không thể quan sát thế giới chung quanh và đưa ra các giải pháp hợp lý cho các vấn đề mang tính thời đại của họ. Tuy nhiên, còn nhiều khía cạnh về chiếc đĩa không thể giải thích một cách dễ dàng, vẫn để lại nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.

Cập nhật: 06/09/2021 Theo GD&TĐ
  • 891