Phát hiện kho trang sức bạc giấu dưới lòng đất 900 năm tuổi

  •  
  • 361

Nhẫn, vòng cổ và vòng tay tinh xảo được người xưa chôn giấu khoảng 100 năm trước cuộc xâm lược của quân Mông Cổ đầu thế kỷ 13.

Các nhà khoa học khai quật một loạt đồ bạc Trung Cổ chôn gần thành phố cổ Old Ryazan, thủ đô một vương quốc của người Rus bị quân Mông Cổ bao vây và cướp phá vào năm 1237, Live Science hôm 1/9 đưa tin.

Trang sức được khai quật gần thành phố Old Ryazan.
Trang sức được khai quật gần thành phố Old Ryazan. (Ảnh: Maxim Pankin)

Kho báu được phát hiện gần một khe núi cách hai khu định cư nhỏ thời Trung Cổ vài trăm mét. Các chuyên gia cũng tìm thấy phần còn lại của một chiếc thùng hình trụ có thể làm từ vỏ cây bạch dương, từng dùng để đựng số đồ bạc này, theo Viện hàn lâm Khoa học Nga (RAS).

Số đồ bạc nặng 2,1 kg, gồm 14 vòng tay, 7 chiếc nhẫn và 8 vòng cổ. Các trang sức được chế tạo một cách tinh xảo. Sự đa dạng của chúng khiến nhóm nghiên cứu cho rằng đây là kho của cải tích lũy chứ không phải bộ trang sức cho một trang phục cụ thể.

Việc giấu kho báu để quân Mông Cổ xâm lược không tìm thấy dường như khá phổ biến trong cuộc vây hãm. Các chuyên gia đã phát hiện hơn 10 kho báu ở khu vực này, bao gồm Kho báu Old Ryazan nổi tiếng. Đây là tập hợp các trang sức hoàng gia được tình cờ phát hiện vào thế kỷ 19, hiện trưng bày tại một nhà thờ.

Tuy nhiên, số đồ bạc mới phát hiện có vẻ được giấu trong giai đoạn từ cuối thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 12, khoảng 100 năm trước cuộc xâm lược của Mông Cổ. Các nhà khảo cổ tại RAS kết luận như vậy dựa theo quá trình phân tích kiểu dáng trang sức và những đồ gốm được tìm thấy gần đó.

Kho báu này lâu đời hơn Kho báu Old Ryazan và bao gồm đồ trang sức làm bằng các kỹ thuật đơn giản hơn, theo phong cách cổ xưa hơn. Kho báu cũng có vài thỏi "grivna" sáu cạnh, một loại thỏi bạc tương đối nhỏ có thể dùng làm trang sức, vật đo trọng lượng hoặc tiền. Các vòng tay được làm rất tinh xảo, chiếc phức tạp nhất có ba dây bạc bện lại, trang trí thêm họa tiết thánh giá và lá cọ chạm nổi ở hai đầu.

Nhóm chuyên gia cho biết, những nghiên cứu sâu hơn về từng món đồ, kỹ thuật chế tạo và thành phần kim loại của chúng sẽ mang lại thêm thông tin về lịch sử của Old Ryazan, thậm chí có thể hé lộ bối cảnh lịch sử khi người xưa chôn giấu kho báu.

Cập nhật: 03/09/2021 Theo VnExpress
  • 361