Với góc ảnh chụp từ trên không này, người xem cảm nhận một cái nhìn độc đáo, mới lạ về sa mạc Namib.
Hình thành từ khoảng 80 triệu năm về trước, kéo dài từ vùng phía Tây Namibia đến tận biên giới phía Bắc của Nam Phi, với tổng diện tích lên tới 55.000km2, sa mạc Namib được coi như sa mạc cổ nhất thế giới. Với nhiều người, sa mạc Namib hiện lên như một mảnh đất của người Sao Hỏa đầy cuốn hút.
Với góc chụp chủ yếu nhìn từ trên không, nhà nhiếp ảnh Peter Adams đã khắc họa “mảnh đất” ấy với đầy đủ chi tiết, từ hình thù kỳ lạ và đa dạng của các cồn cát, đến những đám cây bụi, sinh vật, thung lũng chết. Qua mỗi bức ảnh, dường như chúng ta đang đi lạc vào một hành tinh lạ, hay cũng có thể… đó là một mảnh đất toàn chocolate.
Sa mạc Namib có 2 loại cồn cát - một loại chỉ toàn cát, dễ bị biến dạng bởi gió và một loại bao gồm cả sỏi, đá “kiên cố” khó bị thay đổi hình dạng.
Những cồn cát sa mạc được hình thành do việc "vận chuyển" cát cách đó hàng ngàn cây số từ vùng nội địa, thông qua gió, sông, thậm chí là biển.
Do gió không thường xuyên thổi mạnh nên sa mạc Namib vẫn giữ được độ khô vừa đủ để duy trì các con sông và cả sương mù cho sự phát triển của sinh vật.
Nhiệt độ ban đêm trung bình là 0°C và nhiệt độ ban ngày trung bình là 50°C. Với nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn như vậy, sa mạc Namib là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật lạ lùng nhất trên thế giới.
Dù rất khắc nghiệt nhưng sa mạc Namib cũng là nơi sinh sống của bộ tộc Topnaar. Những cư dân Topnaar đã nhân giống thành công loại dưa có tên Dưa Nara (Nara Melon) - một loại thực vật đặc trưng của vùng đất này.
Nhìn từ trên không, sa mạc Namib trông như một mảnh đất của người Sao Hỏa hay bạn cũng có thể liên tưởng tới một miếng chocolate khổng lồ với màu nâu của cát.
Hình ảnh những cồn cát ở sa mạc Namib nối tiếp nhau tới tận chân trời cho chúng ta cảm giác như thời gian và không gian là vô tận.