Chim cánh cụt nhảy từ vách đá cao 15m vì đói

  •  
  • 258

Thước phim đầu tiên được các nhà khoa học ghi lại cảnh tượng hơn 200 con chim cánh cụt non nối đuôi nhau nhảy từ vách băng cao 15m để xuống biển kiếm ăn do quá đói.


Bầy chim cánh cụt hoàng đế non nhảy xuống vách băng dốc đứng. (Video: National Geographic).

Thước phim có một không hai quay bằng drone vào tháng 1/2024 ghi lại sự kiện hiếm gặp có thể trở nên phổ biến hơn khi băng biển suy giảm và chim cánh cụt buộc phải thích nghi, theo National Geographic. Giống như một nhóm thiếu niên xúm lại trên đỉnh vách đá, chờ người dũng cảm nhảy xuống hồ đầu tiên, hàng trăm con chim cánh cụt hoàng đế vài tháng tuổi tụ tập ở đỉnh thềm Nam Cực cao hơn 15 m so với mặt biển. Bị thôi thúc bởi cơn đói, những con chim non nhìn ra qua rìa vách băng như thể cân nhắc liệu chúng có khả năng sống sót sau cú rơi từ độ cao lớn như vậy hay không. Sau đó, một con trong số đó dẫn đầu nhảy xuống.

Một số chim cánh cụt non nghển cổ nhìn đồng loại rơi thẳng xuống và đáp xuống mặt nước lạnh giá bên dưới. Vài giây sau, con chim dũng cảm nhô lên mặt nước và bơi đi để lấp đầy bụng bằng cá tươi, nhuyễn thể và mực. Dần dần, những con chim non khác theo sau, nhảy ào xuống và vỗ cánh để di chuyển trên mặt nước.

Các nhà quay phim sản xuất chương trình tài liệu Bí mật của chim cánh cụt ghi lại cảnh tượng hiếm thấy bằng drone trên vịnh Atka ở rìa vùng biển Weddell Sea tại Tây Nam Cực. Đây là thước phim đầu tiên về chim cánh cụt hoàng đế non nhảy từ vách đá cao như vậy, theo các nhà khoa học.

"Tôi không thể tin họ quay được cảnh tượng", Michelle LaRue, nhà sinh vật học bảo tồn ở Đại học Canterbury tại Christchurch, New Zealand, chia sẻ. LaRue từng tới vịnh Atka để cố vấn cho đoàn làm phim ghi hình hành vi của chim cánh cụt hoàng đế, từ đẻ trứng tới nuôi dưỡng chim non.

Chim cánh cụt non nhìn đồng loại rơi thẳng xuống và đáp xuống mặt nước lạnh giá bên dưới.
Chim cánh cụt non nhìn đồng loại rơi thẳng xuống và đáp xuống mặt nước lạnh giá bên dưới.

Thông thường, chim cánh cụt hoàng đế làm tổ ở băng biển trôi nổi tự do, sau đó tan đi mỗi năm, không phải trên thềm băng gắn chặt với đất liền. Nhưng gần đây, một số quần thể làm tổ trên thềm băng. Các nhà khoa học suy đoán thay đổi này có thể liên quan tới băng biển tan sớm hơn do biến đổi khí hậu. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp chim cánh cụt hoàng đế với số lượng ước tính 500.000 con vào nhóm sắp bị đe dọa, chủ yếu do biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tới môi trường sống của chúng.

Đầu tháng 1/2024, trong vài tuần cuối cùng trước khi băng biển vỡ ra cuối mùa hè ở Nam bán cầu, các nhà làm phim bắt gặp một nhóm chim cánh cụt non mà LaRue đoán nhiều khả năng được nuôi trên thềm băng phía bắc vách băng. Tò mò chúng đi đâu, họ điều khiển một drone quan sát trên cao. Dần dần, ngày càng nhiều chim non gia nhập nhóm cho tới khi có khoảng 200 con đứng ở đỉnh vách băng dốc đứng.

Gerald Kooyman, nhà sinh lý học đã dành hơn 5 thập kỷ nghiên cứu chim cánh cụt hoàng đế ở Nam Cực, chia sẻ ông mới chỉ chứng kiến sự kiện tương tự một lần cách đây hơn 30 năm. Peter Fretwell, nhà khoa học của cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh, người nghiên cứu ảnh vệ tinh của quần thể chim cánh cụt ở vịnh Atka suốt vài năm, thỉnh thoảng trông thấy dấu chân chim cánh cụt đi về hướng bắc tới vách đá. Ông suy đoán trong tháng 1, chim cánh cụt non bám theo 1 - 2 con trưởng thành đi sai đường.

Chim cánh cụt hoàng đế sắp trưởng thành luôn nhảy từ băng biển xuống nước với độ cao chưa đến một mét. Nhưng những con chim cánh cụt nhỏ ở vịnh Atka phát hiện bản thân đang ở vị trí hiểm trở để xuống nước trong khi cảm thấy cực kỳ đói. Bố mẹ chúng đã bơi ra biển, đã đến lúc chúng phải tự kiếm ăn. Đám chim non đang chờ lớp lông chống nước trơn bóng mọc ra, thay thế lông tơ.

Các nhà khoa học không cho rằng hành động nhảy vách băng của chim cánh cụt liên quan trực tiếp tới việc biến đổi khí hậu khiến Nam Cực ấm lên. Tuy nhiên Fretwell nhận định băng biển trên lục địa giảm đi buộc nhiều chim cánh cụt hoàng đế sinh sản trên thềm băng hơn, do đó hành vi như vậy sẽ phổ biến hơn trong tương lai. Giới khoa học đang lo ngại về sự sụt giảm đột ngột của băng biển Nam Cực từ năm 2016 và hậu quả đối với sự sống sót lâu dài của chim cánh cụt.

LaRue vẫn đặt hy vọng vào khả năng thích nghi của chim cánh cụt. "Chúng vô cùng bền bỉ. Chúng đã tồn tại hàng triệu năm, chứng kiến nhiều thay đổi khác nhau trong môi trường sống. Vấn đề năm ở chỗ chúng có thể ứng phó nhanh nhạy tới mức nào với thay đổi đang diễn ra", LaRue nói.

Cập nhật: 16/04/2024 VnExpress
  • 258