Cùng đi tìm "tính xấu" ẩn giấu trong vẻ dễ thương với đôi mắt to tròn và vẻ ngoài hoàn toàn vô hại của các loài động vật.
Chúng ta thường gắn hành vi mang tính “thú vật” như giao phối cận huyết, ăn thịt đồng loại... cho những loài vật có vẻ ngoài dữ tợn, hoang dã và đáng sợ.
Tuy nhiên ít ai ngờ rằng, kể cả các loài động vật vô cùng dễ thương với đôi mắt to tròn và vẻ ngoài hoàn toàn vô hại cũng có “mặt tối” của riêng mình.
Hãy cùng điểm danh một số “tên khùng” với vỏ bọc đáng yêu trong thế giới động vật.
Meerkat - loài chồn đất châu Phi nổi tiếng với dáng vẻ nhỏ nhắn, đôi mắt to tròn như mèo và dáng đứng trên hai chân vô cùng dễ thương.
Hình ảnh chú chồn Meerkat cũng được khắc họa trong dáng vẻ rất đáng yêu trên màn ảnh - nhân vật Timon trong “Lion King” là một ví dụ.
Vậy nhưng các quan sát của các chuyên gia đã chỉ ra rằng, loài động vật này không hề hiền lành như vẻ ngoài. Sau một nghiên cứu diễn ra trong vòng 15 năm trên 40 nhóm Meerkat khác nhau, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận, chồn đầu đàn chính là một tên “địa chủ” chuyên kiểm soát nô lệ.
Sống theo bầy từ 20-30 cá thể, Meerkat phải chịu sự chỉ đạo của một cặp alpha - cặp đôi duy nhất có quyền sinh đẻ. Điều đáng chú ý là khi trong đàn xuất hiện một cặp beta khác giao phối và có con, những cá thể Meerkat alpha sẽ lộ rõ bản chất của mình.
Theo đó, chúng sẽ “tiêu diệt” tất cả những đứa con sinh ra của cặp đôi beta. Không dừng lại ở đó, những cá thể Meerkat này sẽ bắt cô nàng trong cặp đôi beta phải lựa chọn: hoặc là ra khỏi đàn mãi mãi và đi săn một mình hoặc trở thành nô lệ cho những cá thể còn lại.
Do không thể tồn tại độc lập ngoài tự nhiên, cô nàng beta sẽ buộc phải trở thành nô lệ của con cái đầu đàn và chăm sóc con cho chúng.
Những cô nàng beta này sẽ trở thành “bình sữa” cho cả đàn và phải chăm sóc hàng đợt Meerkat mới sinh cho đến khi kiệt sức mà chết.
Là một loài chim trong họ Sulidae (họ chim điên), Nazce Booby sống chủ yếu ở quần đảo Galapagos và đảo Clipperton ở phía Đông Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vẻ ngoài hoàn toàn bình thường không thể che giấu những hành vi dã man mỗi khi tức giận của loài chim này.
Một nghiên cứu kéo dài 25 năm đã theo dõi đời sống của những cá thể Nazca “độc thân”. Vì một lý do nào đó, Nazca đã không kết đôi trong suốt cuộc đời mình.
Chúng sẽ trở nên hung hăng và chuyên đi ngược đãi những con chim khác. Chúng theo dõi những con Nazca già yếu hoặc còn non, sau đó tìm cơ hội để tấn công chính những đồng loại bằng cách mổ, cào và cắn bất cứ cá thể nào khác yếu hơn mình.
Và điều tồi tệ hơn là, những cá thể Nazca con bị bắt nạt khi lớn lên sẽ lại đi ngược đãi số khác. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hành vi mang tính chu kì này bằng cách đánh dấu các con bị ngược đãi và quan sát chúng trưởng thành. Vòng xoáy bạo lực cứ thế tiếp diễn, trở thành mặt tối của loài chim này.
Những cá thể sâm cầm có thể có một tuổi thơ “xấu xí” nhưng khi lớn lên chúng đều như “vịt hóa thiên nga”, mang vẻ đẹp khó phủ nhận trong thế giới các loài chim. Tuy nhiên về mặt gia đình, chúng nổi tiếng là những bậc phụ huynh tồi tệ.
Vấn đề của loài chim này là chúng đẻ rất nhiều con trong khi không đủ sức để nuôi nấng hết tất cả. Mỗi lần sinh sản, khoảng 9-10 con non sẽ tách trứng chui ra.
Với 10 cái miệng xin ăn, các bậc cha mẹ sâm cầm không kịp trở tay đáp ứng hết. Sau một thời gian, chúng trở nên cáu kỉnh và tấn công chính con đẻ mình.
Sâm cầm mẹ sẽ dùng mỏ tấn công bọn trẻ con để bắt chúng không còn la hét. Dần dà nó chỉ tập trung vào đứa yếu nhất. Con mẹ cắn, mổ đứa trẻ cho đến khi nó không thể kêu nữa và rồi chính thức loại bỏ ra khỏi đàn, để mặc nó từ từ chết đói.
Quá trình này không chỉ diễn ra một lần mà nhiều lần. Sâm cầm sẽ loại dần từng đứa con cho đến khi số sâm cầm con dừng lại ở mức “nuôi được”- có nghĩa là từ 2 - 3 con.
Chim cánh cụt nổi tiếng với lớp lông bông xù và cách bước đi dễ thương. Vẻ ngoài ngốc nghếch đáng yêu của chúng cán đổ trái tim của hàng triệu người. Vậy mà ít ai có thể tưởng tượng được rằng những con thú đáng yêu này lại trở thành kẻ “bắt cóc trẻ em”.
Loài cánh cụt hoàng đế là loại cánh cụt lớn và nặng nhất trong số họ hàng loài chim đặc hữu của châu Nam Cực này. Hành vi “bắt cóc trẻ em” bắt đầu khi những con cánh cụt hoàng đế mẹ đi kiếm ăn về và phát hiện đứa con của mình đã mất tích hoặc bị chết.
Thay vì buồn khổ và cố gắng làm lại từ đầu, chúng sẽ đi… bắt cóc cánh cụt con của người khác với mục đích mang về thay thế đứa con của mình.
Tuy nhiên ý tưởng này không tồn tại lâu bởi sau khi đã bắt cóc đứa trẻ, chúng nhanh chóng thấy chán chỉ trong vòng một ngày, thậm chí sau vài tiếng.
Kẻ bắt cóc lúc bấy giờ sẽ bỏ mặc đứa trẻ giữa trời băng giá. Kết cục của cánh cụt con là chết do lạnh, do đói hoặc trở thành mồi của lũ hải cẩu.