Không có thứ gì tồn tại mãi mãi, nhưng đâu đó trong tự nhiên, vẫn có một danh sách bao gồm những sinh vật bất tử về mặt sinh học; chúng là những sinh vật sở hữu những tế bào đặc biệt, những cơ chế sinh trưởng không giống ai trong cơ thể như sứa, tôm hùm, một loài thường xanh thuộc họ thông, có tên bristlecone pine...
Nghiên cứu mới được đăng tải trên eLife cung cấp cho chúng ta bằng chứng về một sinh vật nữa đáng được nêu tên trong danh sách trên, đó là loài chuột dũi trụi lông.
Chuột dũi không lông, những sinh vật có thể sở hữu khả năng sống lâu hơn chúng ta.
Các nhà khoa học tại Calico, một cơ sở nghiên cứu “dưới trướng” công ty mẹ Alphabet của Google, đã cho phân tích 3.000 cá thể chuột dũi trụi lông trong nhiều năm trời. Có được kết quả chi tiết vòng đời của con chuột, họ tạo ra mô hình tỷ lệ tử vong của một cá thể ở bất cứ thời điểm nào.
Đúng là chuột vẫn thường xuyên “đột tử”, nhưng các nhà nghiên cứu không phát hiện ra dấu hiệu cho thấy số chuột dũi càng về già lại càng dễ tử vong. Khi kết thúc thí nghiệm, có cá thể chuột đã thọ 30.
So sánh kết quả này với những quan sát thường thấy, ta nhận ra sự khác biệt. Khi sống trong cùng khu vực nuôi nhốt, các sinh vật bộ gặm nhấm với kích cỡ cơ thể tương đương sẽ sống được khoảng 6 năm; thế mà con chuột dũi không lông trong thí nghiệm của Calico có thể sống gấp 5 lần độ tuổi trên. Chưa hết, một cá thể chuột 6 tuổi sẽ xuất hiện dấu hiệu tuổi già và mất khả năng sinh sản. Trong khi đó, con chuột dũi không lông giống cái nhiều tuổi nhẫn vẫn có thể sinh con.
“Đây là động vật đầu tiên thuộc lớp có vú không cho thấy dấu hiệu tử vong xuất hiện khi ngày một già đi”, tác giả nghiên cứu mới, Rochelle Buffenstein nói với Gizmodo. Giới khoa học đã từng xác nhận có những cá thể chuột dũi sống được lâu, nhưng đây là lần đầu tiên báo cáo nghiên cứu dựa trên thí nghiệm với lượng cá thể lớn.
Trong cộng đồng chuột dũi không lông, có những cá thể đực và cái nhất định mang trọng trách duy trì nòi giống.
Chuột dũi không lông sống dưới lòng đất, trong một đường hệ thống đường hầm tự đào có thể chứa tới hàng trăm cá thể; trong cộng đồng chuột, chỉ vài cá thể đực và cái giữ trách nhiệm sinh sản. Theo lời giáo sư Buffenstein, những cá thể cái mang trọng trách duy trì nòi giống còn mang tử suất thấp hơn những con chuột khác. Điều này khiến chuột dũi không lông đi ngược lại với giả thuyết cho rằng sinh vật sống chỉ sở hữu một lượng năng lượng hữu hạn để dùng cho những tác vụ sinh học thiết yếu, ví dụ như sinh sản.
Trong nghiên cứu kéo dài 30 năm, chỉ có 400 cá thể chuột dũi chết tự nhiên. “Chúng tôi thấy chuột chết vì bệnh nha khoa, bệnh thận hoặc khi các bó cơ của chuột tiêu biến, nhưng những yếu tố gây tử vong này có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào”, giáo sư Buffenstein nói. Hiếm khi số chuột dũi trong nghiên cứu xuất hiện bệnh liên quan tới tuổi già như ung thư, và hành vi của chuột vẫn không thay đổi khi chúng già đi.
Từ những điều này, nhóm nghiên cứu có thể đưa ra nhận định: chuột dũi không lông có thể bất tử về mặt sinh học nếu chúng tránh được thương tổn và bệnh tật. Tuy nhiên, các nhà khoa học nói thêm rằng có thể tồn tại giới hạn trên của tuổi chuột dũi không lông, có điều ta chưa thấy.
Cá thể già nhất, đã đạt tới 35 tuổi, là một con chuột đực mang trách nhiệm sinh sản. Nhóm các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi đến khi nào có thể. Nhiều bên nghiên cứu cũng đã làm thử nghiệm, tìm cách giải thích cơ chế sinh học đứng đằng sau việc “trẻ mãi không già” trên số chuột này.