Chim ruồi

  •   2,33
  • 5.326

Bất chợt một tia sáng màu ngọc bích loé lên, đôi cánh vỗ nhẹ nhàng và biến mất trong không trung, một ảo ảnh thoắt hiện khiến cho người ta không kịp xác định đấy là một loài chim hay là loài côn trùng. May thay, khoảnh khắc đó lại xuất hiện một lần nữa, lần này ở một góc nhìn tốt hơn và có thể khẳng định chính xác đó là một loài chim - chim ruồi (Hummingbird), một "sản phẩm" trung gian của quá trình tiến hoá giữa lớp côn trùng và chim.

Người ta tìm ra loài chim ruồi này ở châu Mỹ. Theo các nhà sinh vật học thì chim ruồi có rất nhiều giống khác nhau và thay đổi màu sắc theo từng vùng địa lý để thích nghi với điều kiện môi trường và khí hậu ở đó. Trong số 330 chủng loại thì chỉ có 16 giống được xác định có xuất xứ từ miền bắc Mexico, số còn lại không thể nào xác minh được vì chúng nổi tiếng là loài chim di trú. Hành trình của chúng có thể đạt kỷ lục 2.500 dặm (hơn 40.000km): từ vùng Alaska tới đất nước Argentina, từ sa mạc Arizona tới bờ biển Nova Scotia, từ vùng trũng trong các cánh rừng thuộc lãnh thổ Brazil tới dãy núi Andes.

Chim ruồi vùng Colombia

Chim ruồi vùng Colombia. Bộ lông vũ có màu sắc sặc sỡ, bên dưới bộ lông xinh đẹp ấy là những bộ máy phát điện nhỏ xíu tạo ra năng lượng khi chúng bay lượn. Đây là sự kỳ diệu của ngành kỹ thuật vi mô mà các nhà khoa học đang nghiên cứu.

Chúng sống ở bất cứ nơi đâu chúng có thể bám vào được. Theo các nhà khoa học, thông thường loài chim ruồi được nuôi trong lồng có thể sống được 17 năm. Điều này thật kỳ diệu so với một cấu trúc nội tạng đơn giản trong một cơ thể nhỏ bé cân nặng trung bình chỉ có 5 - 6 gram. Trái tim nhỏ xíu nhưng trung bình đập được 500 nhịp/phút (khi đang đậu). Ước tính trong vòng 17 năm trái tim ấy đập khoảng 4,5 tỉ lần - gần gấp 2 lần so với tổng số nhịp đập của một người có tuổi thọ 70.

Chim ruồi phía bắc dãy Andes.

Chim ruồi phía bắc dãy Andes. Các chú chim trống vùng này sử dụng màu tía để điểm xuyết nhúm lông trên đầu và ức của mình. Lớp lông vũ dưới bức xạ của ánh sáng mặt trời tạo thành những gam màu tổng hợp đánh lừa thị giác của các con chim khác, thậm chí ngay cả thị giác của con người cũng bị nhầm lẫn.

Chim ruồi trong thành phố. Những ánh đèn néon rực rỡ có sức hút đặc biệt đối với loài chim ruồi "thành thị" - khiến chúng tưởng ánh đèn đó là những bông hoa thơm ngon nhiều mật ngọt và cứ thế chúng như con thiêu thân lao vào hút mật. Chúng còn làm nhiệm vụ phân phối phấn hoa khắp nơi. Giống như các loại côn trùng khác, chim ruồi không thể phân biệt các bức xạ tím của ánh đèn, người ta có thể sử dụng điều này để tìm thấy những giống cây có chất dinh dưỡng cao.

Còn trong thiên nhiên, với đôi cánh mỏng dính nhưng lại có thể vỗ 80 nhịp/giây, phát ra âm thanh cực nhỏ. Bộ lông đuôi thì như mái chèo "khua" gió nhẹ nhàng lướt trong không trung. Loài chim này khi sống thì dẻo dai như thế, nhưng khi chết các xương ống rỗng của chúng bị phân huỷ nhanh chóng và không bao giờ hoá thạch. Đấy là lý do tại sao người ta không tìm thấy bất kỳ các mẫu hoá thạch nào của giống chim này, dù chúng đã có mặt từ rất lâu đời.

 

Chim ruồi phía nam dãy Andes. Bộ lông đuôi loè loẹt giúp cho các chú chim trống của vùng này "quyến rủ" chim mái. Nếu như người đàn ông sử dụng những món trang sức lấp lánh để biểu hiện sự giàu có và quyền lực thì bộ lông quý phái của giống chim này có thể là một biểu hiện cho sức khoẻ cường tráng và nguồn năng lượng dồi dào.

Một đặc trưng khác của loài chim ruồi là bộ lông vũ cực kỳ sặc sỡ. Dưới ánh sáng mặt trời, tia nắng xuyên qua bộ lông ngũ sắc mượt mà, phản chiếu sắc màu lấp lánh giống như các hạt đá quý được ai đó treo lơ lửng trong không gian. Càng nghiên cứu, các nhà sinh vật học càng ngạc nhiên về quà tặng của tạo hoá cho giống chim nhỏ bé kỳ diệu này. Các mỹ từ "xinh đẹp", "lộng lẫy", "kỳ lạ"… chưa thể miêu tả trọn vẹn những gì mà con người cảm nhận được về loài chim này.

 

 

Mỹ Dung

Theo NationalGeographic, Sài Gòn tiếp thị
  • 2,33
  • 5.326