Chim trời - mối nguy khó lường với ngành hàng không

  •  
  • 533

Sự kiện máy bay Airbus của Vietjet Air bị chim va móp đầu là minh chứng cho thấy mối nguy hiểm tiềm ẩn do chim trời gây ra.

Chim trời - mối nguy hiểm của ngành hàng không

Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, những vụ chim trời va vào máy bay diễn ra khá phổ biến với hơn 1.535 báo cáo về chim mắc kẹt trong khoang động cơ máy bay trong năm 2013. Tháng 3 năm nay, một chiếc máy bay Airbus của hãng hàng không Lufthansa, Đức, buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống Lebanon sau khi va vào đàn chim khiến động cơ phụt ra lửa.

Chim trời - mối nguy khó lường với ngành hàng không
Những đàn chim lớn như ngỗng Canada tạo nguy cơ va chạm lớn cho máy bay. (Ảnh: Alamy).

Theo Skybrary, những vụ va chạm với chim là mối đe dọa lớn đối với an toàn hàng không. Những chiếc máy bay rất dễ mất lực đẩy sau khi chim bị cuốn vào khe hút khí động cơ, dẫn đến những tai nạn chết người. Tai nạn kiểu này có thể xảy ra ở mọi giai đoạn bay nhưng phổ biến nhất là giai đoạn cất và hạ cánh của máy bay do số lượng chim ở độ cao này khá lớn.

Các động cơ phản lực siêu bền ngày nay vẫn có thể bị hư hại bởi vật thể lạ, đặc biệt khi bị đâm vào ở tốc độ cao. Những con chim không làm động cơ chết cứng, nhưng có thể khiến cánh quạt bên trong bị cong hoặc mẻ, kéo theo công suất giảm. Trong tai nạn xảy ra với máy bay Airbus A321 của Lufthansa trên bầu trời Lebanon, sự cố đâm phải chim khiến một động cơ bị mất công suất, buộc chiếc máy bay chở 144 hành khách phải hạ cánh khẩn cấp xuống thủ đô Beirut.


Vụ va chạm với đàn ngỗng Canada lớn khiến máy bay Airbus A320 của hãng Hàng không Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống sông Hudson ở New York, Mỹ. (Ảnh: AP).

Cơ trưởng Steven Draper, phát ngôn viên của Hiệp hội Phi công Hàng không Anh, cho biết, phần lớn những vụ va chạm với chim xảy ra ở độ cao dưới 900m. Từ 3.000m trở lên, số lượng chim bay ít hơn.

Theo phi công Patrick Smith, tác giả cuốn sách Cockpit Confidential, con chim càng lớn, nguy cơ gây hại càng tăng. Một chiếc máy bay bay với tốc độ 463km/h sẽ chịu lực va đập hơn 22.680kg nếu bị một con ngỗng trời có kích thước trung bình đâm vào.

Những đàn chim lớn như ngỗng Canada tạo ra nguy cơ va chạm lớn hơn. Chúng thường bay với mật độ dày đặc và số lượng loài này trên toàn cầu đang tăng mạnh. Smith nhấn mạnh cần kiểm soát số lượng ngỗng Canada ở một số địa phương trên nước Mỹ, đồng thời xây các sân bay mới ở xa nơi đàn ngỗng di cư để giảm nguy cơ va chạm.


Máy bay Airbus A320 của Vietjet Air bị móp mũi do chim va phải. (Ảnh: Việt Anh).

Ngoài ra, biện pháp xua đuổi chim cũng được áp dụng rộng rãi ở quanh các sân bay. Không chỉ mở loa và bắn pháo sáng để dọa chim, nhiều sân bay thậm chí còn sử dụng chim ăn thịt để săn các loài chim có thể đe dọa đến máy bay.

"Phi công cần phải đảm bảo chim nhìn rõ những chiếc máy bay đang tới bằng cách bật đèn tín hiệu và bay ở tốc độ phù hợp để những con chim có cơ hội tránh đường và giảm thiệt hại do va chạm gây ra", Draper chia sẻ.

Theo VnExpress
  • 533