|
Nạn phá rừng có tác động mạnh đến đời sống của đười ươi (BBC) |
Các nhà khoa học cho biết lần đầu tiên họ đã chứng minh được sự giảm sút số lượng đười ươi là kết quả trực tiếp của việc con người hủy hoại môi trường.Nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Anh và Pháp đã sử dụng bằng chứng về gene để vẽ lại sự suy thoái số lượng loài đười ươi tại Malaysia trước nạn phá rừng.
Đười ươi sống trong các khu rừng sâu của Borneo và Sumatra. Điều này khiến người ta khó ước tính số lượng của chúng.
Nhưng nghiên cứu kéo dài ba năm này lần đầu tiên sử dụng công nghệ di truyền học để theo dõi sự sụt giảm giống loài. Bằng cách khảo sát mẫu tóc và phân thu thập từ một thế kỷ qua, họ có thể vẽ lại sự đa dạng của hồ sơ gene. Điều này cho phép nhóm vẽ nên một bức tranh chính xác nhất từ trước tới nay về số lượng của loài đười ươi từ thập niên 1890, và họ đối chiếu điều này với hồ sơ về nạn phá rừng.
Hai yếu tố này trùng khớp chặt chẽ với nhau.
Dân số loài đười ươi bắt đầu giảm đi trong cuối thế kỷ 19 khi việc đốn gỗ ở phía bắc Borneo bắt đầu và tốc độ suy thoái cao dần khi rừng bị phá hủy ở tầm mức tăng lên sau năm 1950.
Nhóm nghiên cứu nói họ thiết lập được mối liên hệ trực tiếp.
Các nhóm môi trường quy trách nhiệm cho ngành công nghiệp dầu cọ của Malaysia trong phần lớn các vụ phá rừng và kêu gọi cấm sản phẩm dầu cọ tại liên hiệp châu Âu.
Người ta ước tính có khoảng từ 25 đến 30 ngàn con đười ươi còn sót lại ở Borneo, mà trong đó 11.000 con sống tại bang Sabah của Malaysia.