Chọn lựa thuốc sát trùng ngoài da

  •  
  • 4.736

Khi da bị tổn thương nhẹ, việc chọn lựa sử dụng các loại thuốc sát trùng ngoài da cũng cần thiết để giúp đạt được hiệu quả điều trị và an toàn.

Cồn (alcool):

Cồn 90 độ được sử dụng cho các trường hợp như sát trùng dụng cụ, bôi trên da trước khi tiêm chích...

Tuy nhiên, qua thực nghiệm sử dụng chứng minh cho thấy cồn sát trùng cho các vết thương nên là cồn 70 độ (pha loãng từ cồn 90 độ với nước theo tỷ lệ). Các vết thương ngoài da khi tiếp xúc với cồn thường tạo cảm giác kích ứng (xót, rát..).

Oxi già (eau oxygénée, dưỡng thủy, H2O2)

Oxy già không gây kích ứng trên da khi sử dụng. Nếu chai thuốc không được đậy kín ngay sau khi dùng, dạng oxy mới sinh có hoạt tính sẽ chuyển thành khí oxy bình thường sẽ không còn tác dụng diệt khuẩn.

Thuốc đỏ (mercurochrome)

Được dùng từ lâu nhờ tác dụng diệt khuẩn mạnh. Cần lưu ý không được dùng thuốc đỏ cho những vết thương sâu vì nguy cơ các lượng chất độc mạnh của thuốc đỏ sẽ có khả năng đi vào máu gây ngộ độc.

Thuốc tím (permanganate de potassium, KMnO4)

Có tác dụng diệt vi khuẩn nhờ tác dụng oxy hóa của dạng oxy mới sinh khi hòa thuốc tím vào nước. Thuốc tím phải được dùng ở dạng hạt tinh thể được hòa tan vào nước với lượng khoảng 1 gam (1 gói) trong 1 lít nước.

Tương tự như oxy già, thuốc tím pha sẵn sẽ không có tác dụng diệt vi khuẩn nhất là khi dùng thuốc tím để rửa rau!

Cồn iốt (teinture d'iode)

Thường dùng với nồng độ 5% cũng có tác dụng oxi hóa vi khuẩn, diệt nấm ngoài da. Tác dụng sát trùng, diệt nấm là do chất iod chứ không phải do cồn, độ cồn có trong công thức thường là thấp - chỉ giúp hòa tan iod.

Cồn iốt là một chất sát trùng mạnh có tính phá hủy các chất hữu cơ như da, quần áo, sách vở... Vì vậy cần thận trọng khi sử dụng trên những vùng cần giữ thẩm mỹ như da mặt.

Hiện nay iốt còn được sử dụng ở dạng hữu cơ (betadine, povidone) không gây kích ứng da, được sử dụng an toàn trên các vùng niêm mạc khá nhạy cảm như trong miệng, âm đạo...

Theo Nhân dân
  • 4.736