Chống vi phạm bản quyền phần mềm bằng cách nào?

  •  
  • 639

Theo Hiệp hội các doanh nghiệp phần mềm toàn cầu (BSA), tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm hầu như xảy ra ở mọi quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Ngay như Mỹ, quốc gia có tỷ lệ vi phạm thấp nhất nhưng tỷ lệ vi phạm cũng đã lên đến 21%, giá trị thiệt hại đến hơn 6,1 tỉ USD. Chống vi phạm bản quyền phần mềm rõ ràng là một trong những công việc được quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Từ ngày 1/7, Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam chính thức có hiệu lực, trong đó nhấn mạnh đến các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của tác giả. Sắp tới, khi Việt Nam gia nhập WTO, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ càng đặc biệt được chú trọng. Đầu tháng 6, có thêm một công ty ở TP.HCM bị cơ quan chức năng xử phạt do đã cài đặt các phần mềm lậu vào máy tính để bán cho khách hàng. Tính từ tháng 5 đến nay, có ít nhất 4 công ty ở TP.HCM và Hà Nội bị kiểm tra và bị xử lý. Hầu hết phần mềm vi phạm bản quyền là phần mềm Window của Microsoft. Theo nhiều nguồn tin, trong thời gian tới, việc kiểm tra sẽ diễn ra nhiều hơn với những đối tượng khác nhau, kể cả người sử dụng.

Tuy nhiên, vấn đề là Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển khác đang gặp khó khăn trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu sử dụng phần mềm để phổ cập tin học cho người dân và việc tôn trọng bảo vệ quyền tác giả. Một bộ phận rất lớn người dân hiện có nhu cầu sử dụng phần mềm máy tính trong khi giá các phần mềm có bản quyền lại quá cao so với thu nhập của họ.

Tại Việt Nam, bản quyền sử dụng hệ điều hành Window XP Pro của Microsoft hiện nay là 140 USD/máy. Đó là một khoản tiền không nhỏ đối với phần lớn người dân có nhu cầu sử dụng máy tính trong công việc và học tập. Dung hòa hai vấn đề này như thế nào? Nhiều chuyên gia cho rằng biện pháp thích hợp nhất trong thời điểm hiện nay là các nhà sản xuất phần mềm thông dụng nước ngoài nên có chính sách giá ưu đãi, phù hợp với sức mua của người dân những nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Điều đó sẽ góp phần khuyến khích người dân sử dụng phần mềm có bản quyền. Đồng thời, Việt Nam cũng cần có kế hoạch phát triển phần mềm mã nguồn mở và đưa những phần mềm có chất lượng này vào sử dụng rộng rãi trong dân chúng.

Theo VnMedia
  • 639