Chủ nghĩa thuộc địa châu Âu ở châu Phi đã gây ra đại dịch HIV?

  •  
  • 2.122

Sự di chuyển của con người tới một châu lục mới thường dẫn tới những dịch bệnh giết chết một số lượng lớn những người dân bản địa chưa từng phát triển khả năng miễn dịch những căn bệnh xa lạ với họ. Nhưng sự xuất hiện của người châu Âu ở châu Phi cách đây một thế kỷ rất có thể là mồi lửa châm ngòi cho một đại dịch không chỉ giết chết hàng triệu người dân bản địa mà làm cả thế giới phải đau đầu vài thập kỷ nay: đại dịch HIV/AIDS.

Chủ nghĩa thuộc địa châu Âu ở châu Phi đã gây ra đại dịch HIV?

Đó là kết luận của một cuốn sách mới mang tên Tinderbox: How the West Sparked the AIDS Epidemic and How the World Can Finally Overcome it (Hộp quẹt: Phương tây đã làm bùng nổ đại dịch AIDS và thế giới sẽ vượt qua nó như thế nào) của hai tác giả Craig Timberg và Danial Halperin. Timberg là một cựu phóng viên ở châu Phi và hiện là nhà báo của tờ Washington Post. Halperin là một cố vấn về phòng chống HIV trong chương trình phòng chống AIDS toàn cầu của chính phủ Mỹ.

Xem xét nhiều bằng chứng, các tác giả gợi ý việc các nước châu Âu tranh giành châu Phi vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã biến những đợt dịch bệnh nhỏ lẻ thành một đại dịch thế giới. Timberg và Halperin tìm kiếm hành trình của virus HIV từ việc lây từ tinh tinh sang người ở phía đông nam Cameroon cho tới việc lan truyền rộng rãi ở thủ đô thương mại Kinshasa. Họ nhấn mạnh khi các cường quốc châu Âu chiếm đoạt châu Phi và châu Á từ những năm 1880 tới 1920, loại virus HIV dần dần lây lan thông qua những con đường thương mại.

Trích từ cuốn sách của họ: “Chúng ta giờ đây đã biết đại dịch bắt đầu ở đâu: ở một khu vực ở đông nam Cameroon. Chúng ta biết thời điểm: trong vài thập kỷ trước và sau năm 1900. Chúng ta cũng biết nó bắt đầu thế nào: một người thợ săn bắt được một con tinh tinh nhiễm bệnh để làm thức ăn, cho phép virus đi từ máu của con tinh tinh vào cơ thể người thợ săn, có thể qua một vết cắt trên da".

Chủ nghĩa thuộc địa châu Âu ở châu Phi đã gây ra đại dịch HIV?

Có thể điều này đã xảy ra nhiều lần, trong những thế kỷ trước đó khi châu Phi còn ít sự liên hệ với thế giới bên ngoài. Nhưng vào đầu thế kỷ 20, khi thương mại bắt đầu phát triển, hàng ngàn người khuân vác di chuyển trong khu vực đã tạo ra cơ hội cho loại virus lây lan tới những trạm trao đổi hàng hóa. Một trong những nạn nhân đầu tiên – có thể là một người thợ săn, một thợ khuân vác hay một người tìm kiếm ngà voi – đã lây HIV cho bạn tình. Sau đó, virus bùng phát ở trạm giao dịch trước khi lan xuống theo dòng sông Sangha ở những thị trấn buôn bán khác trên con đường thương mại. Để lây lan, HIV đòi hỏi một dân số đủ lớn để duy trì một sự bùng phát và một văn hóa tình dục trong đó mọi người có nhiều hơn một bạn tình.

Họ giải thích với báo Washington Post: “rõ ràng là nền thương mại thuộc địa tạo ra những mạng lưới các mối quan hệ tình dục và gây ra việc lây lan bệnh tật. Trong những thập kỷ sau này, việc dùng các kim tiêm dưới da trong dịch vụ y tế có thể đóng vai trò quan trọng trong việc lây lan HIV".

Một nơi đông đúc, nhiều người di chuyển thường xuyên, lộn xộn chính là một môi trường hoàn hảo để phát tán loại virus chết người này. Họ cho rằng nếu không có sự xâu xé châu Phi của các nước châu Âu thì khó lòng HIV có thể lây lan ra ngoài đông nam đất nước Cameroon để giết chết hàng chục triệu người.

Tổ chức Y Tế Thế Giới ước lượng khoảng 33 triệu người trên thế giới bị nhiễm HIV. Loại virus đặc biệt phổ biến ở các quốc gia châu Phi như Nam Phi, Zimbabwe và Mozambique.

Nguyễn Thanh Huyền (guardian)
  • 2.122