Chuẩn bị phóng vệ tinh siêu nhỏ “Made in Việt Nam”

  •  
  • 2.337

Mô hình kỹ thuật của vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên chế tạo tại Việt Nam có tên Pico-Dragon (tạm dịch Rồng nhỏ) đã được hoàn thành tháng 5/2009 và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động năm 2010/2011.

TS Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa cho biết như trên.

Đây là sản phẩm của Viện Công nghệ Vũ trụ thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với sự tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). 

Vệ tinh Pico – Dragon được chế tạo bởi một nhóm kỹ sư trẻ (thế hệ 8X) hầu hết từng học cơ điện tử, điện tử - viễn thông, cơ khí, tự động hóa...

Vệ tinh nhỏ…

Khác hẳn với với vệ tinh đầu tiên của Việt Nam vệ tinh địa tĩnh - Vinasat-1 rất lớn và hiện đại, được phóng lên quỹ đạo vào tháng 4 vừa qua, vệ tinh đầu tiên chế tạo tại Việt Nam Pico-Dragon có kích thước tương đối khiêm tốn: 10x10x10cm, với cân nặng chưa đầy 2kg, là một vệ tinh viễn thám.

Vệ tinh Pico – Dragon được chế tạo bởi một nhóm kỹ sư trẻ (thế hệ 8X) hầu hết từng học cơ điện tử, điện tử - viễn thông, cơ khí, tự động hóa và do TS. Phạm Anh Tuấn (trưởng nhóm) chỉ đạo thực hiện.

“Rồng nhỏ” gồm hai phần cơ bản (bus) và chức năng (payload). Phần cơ bản là những module chính của vệ tinh như: module cấu trúc, module máy tính và điện tử, module điều khiển, truyền thông và module năng lượng. Phần chức năng bao gồm module camera và các loại cảm biến dòng điện, điện áp, nhiệt độ nhằm giám sát tình trạng hoạt động của vệ tinh.

Với kích thước nhỏ (dưới 2kg), Pico-Dragon dự kiến sẽ được phóng kèm với vệ tinh của các nước khác. Mỗi lần phóng này có khoảng hơn mười vệ tinh Pico/Nano. Giá một lần phóng “nhờ” như vậy khoảng 50 nghìn USD” - TS Phạm Anh Tuấn cho biết. 

Tên lửa Ariane 5 mang theo VINASAT-1 rời bệ phóng tại Kourou (Nam Mỹ) vào 5h17 phút sáng 19/4 theo giờ Hà Nội.

Cũng theo TS. Phạm Anh Tuấn, sau khi phóng mới có thể biết việc chế tạo vệ tinh của Việt Nam là thành công hay không, bởi chất lượng thực sự của vệ tinh chỉ được thể hiện và kiểm chứng khi hoạt động trong môi trường không gian vũ trụ.

Cơ hội lớn…

Được biết, dự án vệ tinh Pico siêu nhỏ chủ yếu nhằm phục vụ công tác đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ. Việc học tập được thực hiện trực tiếp qua quy trình từ thiết kế, chế tạo đến thí nghiệm, phóng lên quỹ đạo và cuối cùng là điều khiển được vệ tinh.

Theo TS. Phạm Anh Tuấn, thông qua việc chế tạo này, các kỹ sư trẻ Việt Nam có cơ hội nắm thêm kiến thức cơ bản và tác phong làm việc chuyên nghiệp mà các ngành công nghệ cao đòi hỏi rất khắt khe.

Ngoài ra, đây là một dự án có sự hợp tác với nước ngoài (Nhật Bản) nên các kỹ sư trẻ Việt Nam sẽ có điều kiện học hỏi công nghệ, cũng như giao lưu hợp tác, tiến tới tham gia những dự án quốc tế về phát triển vệ tinh.

Nếu được đầu tư đầy đủ, các kỹ sư Việt Nam có thể từng bước nắm bắt và chế tạo vệ tinh, thậm chí có thể chế tạo được những vệ tinh lớn hơn vệ tinh Pico gấp nhiều lần” TS Phạm Anh Tuấn khẳng định. 

Mô hình kỹ thuật của vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên chế tạo tại Việt Nam có tên Pico -Dragon (tạm dịch Rồng nhỏ) đã được hoàn thành tháng 5/2009 và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động năm 2010/2011...

TS. Phạm Anh Tuấn còn cho biết thêm, hiện Viện Công nghệ Vũ trụ đã đề xuất xin kinh phí chế tạo mô hình bay (mô hình dùng cho phóng) của Vệ tinh Pico-Dragon. Nếu được chấp thuận, dự kiến năm 2010/2011 vệ tinh đầu tiên chế tạo tại Việt Nam sẽ được phóng vào quỹ đạo.

Do được chế tạo phục vụ công tác đào tạo là chủ yếu nên ông Tuấn cho biết Viện Công nghệ Vũ trụ sẵn sàng chuyển giao cho các bạn trẻ tại các trường đại học, những người quan tâm để có thể nghiên cứu và chế tạo.

Ngay sau khi hoàn thành mô hình kỹ thuật vệ tinh Pico-Dragon, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu tham gia chương trình phối hợp giữa các tổ chức nghiên cứu về vũ trụ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm thiết kế, chế tạo và chuẩn bị phóng một vệ tinh quan sát Trái đất loại nhỏ 50kg (Micro STAR) phục vụ phát triển vệ tinh châu Á - Thái Bình Dương – APRSAF Satellite do Nhật Bản (JAXA) đề xuất và tổ chức.

Và những khó khăn…

Hiện Việt Nam vẫn là một trong những nước nằm ở danh sách còn bị hạn chế nhập công nghệ cao nên việc mua các thiết bị nhạy cảm hay thiết bị công nghệ cao đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ hoành thành dự án.

Một thành viên trong nhóm chế tạo cho biết, để hoàn thành được vệ tinh Pico hiện nay, nhóm đã phải chế tạo và thay đổi thiết kế của Pico không dưới 5 lần để thiết kế phù hợp với những thiết bị có khả năng mua được.

Mặc dù chưa thống kê giá trị thực tế, nhưng chắc chắn giá thành chế tạo Pico ước tính khoảng hơn 600 triệu đồng” thành viên nói trên chia sẻ.

Theo nhóm chế tạo, khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải là việc chưa có kinh nghiệm, kiến thức nhiều trong chế tạo vệ tinh. Vì vậy, tất cả đều phải tự mày mò, học hỏi từ các chuyên gia và bạn bè, thông qua việc hợp tác quốc tế. Hơn nữa, do Viện mới thành lập nên cơ sở hạ tầng, thiết bị nghiên cứu phục vụ cho quá trình chế tạo vệ tinh, thiết bị điện tử, truyền thông, thiết bị kiểm tra đều thiếu thốn.

Đặc biệt, các thiết bị phục vụ cho quá trình thử nghiệm vệ tinh (thiết bị mô phỏng môi trường trên không) rất đắt và hiện nay chưa có ở Việt Nam cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình chế tạo thực hiện vệ tinh.

Vượt qua những khó khăn đó, đồng thời nhận thức được việc chế tạo vệ tinh nhỏ là xu thế phát triển của công nghệ vũ trụ, Viện Công nghệ Vũ trụ đã chế tạo thành công mô hình kỹ thuật vệ tinh siêu nhỏ Pico và dự kiến sẽ phóng vào năm 2010/2011.

Vệ tinh Pico - Dragon sẽ hoạt động trên vũ trụ với tuổi thọ khoảng 6 tháng, hứa hẹn phục vụ cho các công tác nghiên cứu và đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ còn non trẻ của Việt Nam.

Được biết, sắp tới mô hình kỹ thuật của vệ tinh Pico - Dragon sẽ được đưa ra trưng bày tại triển lãm Techmart Việt Nam ASEAN+3 từ ngày 17-19 tháng 9 tại Hà Nội. 

Nhiệm vụ của vệ tinh viễn thám là chụp ảnh. Do bay ở tầng thấp quay xung quanh Trái đất nên vệ tinh viễn thám có thể chụp ảnh và cho hình ảnh rất rõ nét. Ứng dụng của vệ tinh viễn thám là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, quan trắc Trái đất: phục vụ dự báo thời tiết chính xác hơn, giám sát vùng và tài nguyên biển, kiểm soát cháy rừng...

Đặc điểm của vệ tinh viễn thám là dùng các sensor khác nhau, nên chụp được các loại ảnh phổ màu khác nhau để có thể nhận biết các loại cây cối, đất đai...

Trong quá trình chụp nhiều lần, chúng ta có thể nhận biết và so sánh độ phân bố của đất rừng, cây xanh khác nhau, bờ biển bị sạt lở,... Vệ tinh viễn thám còn được ứng dụng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng với các việc như quan trắc tàu biển ra vào, tàu lạ xâm phạm vào lãnh thổ VN.

Theo Mai Loan - Vietnamnet
  • 2.337