Chụp được hình tinh vân đầu lâu cách Trái đất 1.600 năm ánh sáng

  •  
  • 497

Tinh vân NGC 246 chứa hệ sao gồm ba ngôi sao quay quanh nhau và trông giống chiếc đầu lâu phát sáng giữa không gian tối đen.

Tinh vân Đầu Lâu nằm trong chòm sao Cetus (Kình Ngư).
Tinh vân Đầu Lâu nằm trong chòm sao Cetus (Kình Ngư). (Ảnh: ESO).

Các nhà khoa học sử dụng Kính viễn vọng Rất Lớn (VLT) ở Chile để chụp ảnh tinh vân NGC 246, còn gọi là tinh vân Đầu Lâu, Space hôm 31/10 đưa tin. Tinh vân này có đường kính khoảng 2,5 năm ánh sáng và nằm cách Trái đất 1.600 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Cetus (Kình Ngư).

NGC 246 là tàn dư chứa đầy bụi vũ trụ của một vụ nổ sao, trong đó một ngôi sao giống Mặt trời nổ tung và phóng ra các lớp ngoài, trở thành sao lùn trắng rực sáng. Sao lùn trắng này nằm ở trung tâm NGC 246. Bạn đồng hành của nó là một sao lùn đỏ không thể nhìn thấy trong ảnh chụp mới của Kính viễn vọng Rất Lớn. Chúng quay quanh nhau tạo thành hệ sao đôi.

Một ngôi sao thứ ba quay quanh cặp sao với khoảng cách lớn gấp 1.900 lần khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời. Bộ ba này khiến NGC 246 trở thành tinh vân hành tinh đầu tiên được phát hiện có hệ sao ba phân cấp ở trung tâm, theo các chuyên gia tại Đài quan sát phía Nam châu Âu (ESO).

Ảnh chụp mới thể hiện rõ những đám mây khí bụi tồn tại từ vụ nổ sao cổ xưa. Khí hydro (đỏ) và oxy (xanh nhạt) của tinh vân trông như đang phát sáng, khiến tinh vân đầu lâu trở nên nổi bật giữa không gian liên sao tối đen.

Cập nhật: 02/11/2020 Theo VnExpress
  • 497