Đám người này lội lại gần, người cầm đinh ba chạc phóng vào lưng, người cầm cào 3 răng bổ vào mai. Con rùa sợ quá lại lặn xuống đáy hồ.
Mấy chục năm trước, ở rất nhiều hồ, đầm lớn ven sông Hồng, thuộc tỉnh Phú Thọ và Yên Bái từng có loài rùa Hồ Gươm khổng lồ. Tuy nhiên, người dân gọi là con giải hoặc con ba ba, chứ không gọi là rùa.
30 năm về trước, người dân quanh những hồ lớn thuộc hai tỉnh này thường săn rùa khổng lồ về ăn, xương đem nấu cao. Hàng trăm rùa khổng lồ đã bị ăn thịt, nhưng chỉ còn duy nhất chiếc mai rùa còn tồn tại đến hôm nay, thuộc sở hữu của ông Hoàng Xuân Bốn (xã Minh Quân, Trấn Yên, Yên Bái).
Ông Bốn bị tai biến mấy năm nay, trí nhớ bập bõm, nên kể chuyện săn “cụ rùa” không chuẩn xác nữa. Tuy nhiên, vợ ông thì nhớ rất chi tiết. Khi tôi hỏi chuyện săn “cụ rùa” năm xưa, vợ ông vào trong buồng lôi ra chiếc mai rùa làm bằng chứng.
Cách đây chừng 30-40 năm, rùa khổng lồ có rất nhiều ở đầm Minh Quân. Người dân chèo bè qua đầm vào rừng lấy nứa thường gặp rùa nổi lềnh phềnh to như cái nong. Thi thoảng, chúng lại nổi cái đầu đen trũi, to như cái phích để thở. Ban đêm, đi đánh cá, nếu nghe thấy tiếng thở pho pho phát ra từ bãi lau sậy, chắc chắn có “cụ rùa” ăn no đang ngủ.
Ông Bốn và bộ cốt của con rùa do ông bắn được.
Tháng 9 năm 1984, ông Bốn chèo bè vào rừng đốn củi, bỗng gặp một con rùa to như cái nong đang nằm phơi nắng trên bãi cỏ. Chèo bè lại gần, ông thấy trên mai con rùa có một vết thương. Ông Bốn chợt nhớ lại lời kể của xã đội phó Tạ Huy Đính: “Tao thấy con ba ba to lắm. Tao vác khẩu CKC bắn thủng mai mà chả ăn thua gì. Nó lặn mất tăm”.
Nghĩ rằng con rùa đã bị thương, xót nước, nên bò lên bãi cỏ, ông Bốn liền mang con dao rựa nhẹ nhàng tiến lại phía “cụ rùa” đang thiếp ngủ. Bất thình lình, ông vung dao chém thẳng vào cái cổ to như cái phích. Tuy nhiên, nhát dao chí mạng đó như gãi ngứa, chỉ làm xước nhẹ làn da dày và dai như da trâu của rùa. “Cụ rùa” tỉnh dậy bò lổm ngổm xuống đầm. Ông Bốn xông vào bám đuôi, nhưng nó lôi tuột ông xuống hồ.
Ông Bốn giữ bộ cốt rùa làm kỷ niệm suốt 27 năm qua.
Đốn củi xong, chèo bè về, ông lại gặp con “ba ba” hồi sáng mà ông chém nằm trên bãi cỏ giữa đảo. Biết dao kiếm không đủ sức giết rùa, ông về nhà lấy khẩu AK cùng một băng đạn. Ngày đó, ông Bốn là xã đội trưởng, nên được sở hữu thứ vũ khí nóng này. Ông nhẹ nhàng bò lại phía “cụ rùa”, nhắm thẳng đầu và xả nguyên một băng đạn.
“Cụ rùa” bị thương nặng, không đủ sức chạy trốn nữa. Ông Bốn hô dân làng vật ngửa, trói nghiến 4 chân “cụ” lại, rồi dùng trâu mộng kéo cụ về nhà. Phải huy động 2 chiếc cân tạ, móc vào đầu và đuôi “cụ rùa” mới cân nổi. “Cụ rùa” nặng 140kg.
Bữa ấy, dân làng cùng mổ xẻ, xào nấu, đánh chén ê hề. Ăn uống chán chê, mỗi người còn được chia phần mang về ăn tiếp. Sau vụ ấy, gia đình ông Bốn sợ thịt rùa, vì mùi tanh khủng khiếp cứ vảng vất quanh nhà suốt cả tháng trời. Vợ chồng ông Bốn đem mấy chiếc nong đựng thịt ra ao ngâm, đánh rửa không biết bao nhiêu lần mà không hết tanh. Bát đĩa cũng bốc mùi tanh suốt cả tháng.
Ông Nguyễn Văn Ao và chiếc sọ của con rùa nặng 150kg mà ông săn được ở đầm Ao Châu (Hạ Hòa, Phú Thọ).
Sau này, ông Bốn mới biết con ba ba khổng lồ mình bắt được cùng giống loài với “cụ rùa” linh thiêng ở Hồ Gươm. Sợ liên quan đến tâm linh, nên vợ chồng ông Bốn cất giữ mai rùa và sọ rùa cẩn thận. Sau này, nhiều người đến hỏi mua về nấu cao, làm thuốc với giá rất cao, nhưng vợ chồng ông không bán.
Từ chục năm nay, đã có không biết bao nhiêu lượt nhà khoa học về gặp ông Bốn, nghe ông kể về loài rùa khổng lồ ở đầm Minh Quân, nghiên cứu chiếc mai và sọ rùa do ông cất giữ.
Mấy năm trước, một nhà khoa học phương Tây sang nghiên cứu, không biết tỉ tê thế nào, mà ông Bốn lại tặng ông ta chiếc sọ. Khi các nhà khoa học trong nước biết chuyện, tìm cách đòi lại “vật báu quốc gia”, mới biết ông này đã rời khỏi Việt Nam ngay khi có chiếc sọ rùa.
Ở Phú Thọ, còn một người nữa giữ cốt rùa, là ông Nguyễn Văn Ao. Ông Ao cũng từng là thợ săn rùa kỳ cực, từng giết không ít rùa khổng lồ ở đầm Ao Châu. Tuy nhiên, hiện tại, ông chỉ còn giữ được mỗi cái sọ rùa mà thôi.
Hiện tại, ở nước ta chỉ có 2 tiêu bản rùa, một ở đền Ngọc Sơn, một ở Bảo tàng tỉnh Hòa Bình. Dù có nhiều cổ vật quý, song Bảo tàng Hòa Bình hút khách tham quan chủ yếu là vì có tiêu bản rùa khổng lồ, cùng loài với rùa Hồ Gươm.
Con rùa này vốn được bắt từ hồ Quỳnh Lâm. Đây là một hồ lớn, rộng hàng trăm ha, nằm cạnh TP. Hòa Bình. Hồ Quỳnh Lâm vốn thông với sông Đà, dấu tích để lại vẫn còn là cái ngòi Ba Chạc.
Rùa ở đầm Quỳnh Lâm ngày mới bắt được.
Giờ đã thành tiêu bản nằm trong bảo tàng Hòa Bình.
Xưa kia, những đầm hồ lớn ven sông Hồng và sông Đà đều có loài rùa khổng lồ này. Chỉ vài chục năm trước, hồ Quỳnh Lâm có rất nhiều rùa khổng lồ, mà họ gọi là con giải. Người dân xã Dân Chủ (TP. Hòa Bình) thường xuyên tổ chức các cuộc săn rùa.
Mỗi khi săn được rùa, họ mổ xẻ, ăn uống linh đình. Lòng đem xào, thịt nấu thành nhiều món, xương, da và mai đem nấu cao. Chỉ cách đây hơn 20 năm, người Mường ở xóm Mát còn bắt được một con rùa nặng tới 1,5 tạ.
Con rùa nằm trong Bảo tàng Hòa Bình chưa phải là con lớn nhất, song là con cuối cùng còn nhìn thấy ở hồ Quỳnh Lâm.
Sọ rùa ở Thanh Hóa.
Nhóm 6 người của ông Nguyễn Văn Nở đã bắt được con rùa này. Ông Nở là người Mường, ở xóm Đằm, xã Thống Nhất, TP. Hòa Bình. Năm 1993, ông Nở cùng mấy thanh niên đi cắt lau lác thuê cho ông Bàn ở xã Dân Chủ. Ngày đó, hồ Quỳnh Lâm được chia chác cho dân đắp bờ, nuôi cá. Một người đang cắt cỏ lau, thì giẫm lên lưng con rùa. Con rùa hoảng, chạy mất tiêu. Biết rằng trong khu vực xuất hiện một con rùa lớn, nhóm ông Nở quyết định rình mò.
Phục kích đến gần 12h đêm thì con rùa thò đầu lên thở. Ông Nở dùng hòn gạch ném vào lưng nó. Nó sợ quá, rúc xuống bùn, sùi tăm. Một anh bơi ra, sờ vào lưng, liền bị nó đớp suýt mất bàn tay, máu chảy ròng ròng. Đám người này hoảng quá, bơi lên bờ, đi lấy đinh ba chạc (lao phóng cá, gồm 3 mũi thép nhọn và dài), cào 3 răng bằng thép để tiêu diệt con rùa.
Đến 2h sáng thì con rùa lại nổi lên thở. Nhìn cái đầu to bằng cái phích mà ai nấy hồn bay phách tán. Tuy nhiên, không ai nỡ bỏ qua món hời. Đám người này lội lại gần, người cầm đinh ba chạc phóng vào lưng, người cầm cào 3 răng bổ vào mai. Con rùa sợ quá lại lặn xuống đáy hồ.
Rùa Đồng Mô có cùng loài với rùa Hồ Gươm?
Thế nhưng, vì nước ngấm vào vết thương rất xót, nên lát sau nó lại nổi lên. Tấm lưng của nó lại phải hứng chịu một nhát lao nữa. Con rùa vừa đau vừa mệt, rúc vào đám cỏ lau. Đám người này đã hè nhau xông tới vật ngửa, trói nghiến nó lại, lôi lên bờ.
Sớm hôm sau, vừa tờ mờ sáng, một người đi gọi công nông đến chở con rùa về làm thịt. Đám người này chưa kịp làm thịt con rùa, thì ông Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh Hòa Bình đánh xe đến tuyên bố thu hồi, vì nó là tài sản quốc gia. Con rùa này dài 153cm, rộng 75cm và nặng 121kg. Theo phán đoán thì tuổi đời trên dưới 300 năm!
Con rùa được thả nuôi trong bể của Công ty du lịch tỉnh Hòa Bình cho nhân dân tham quan. Tuy nhiên, do không thích nghi với môi trường sống, nó đã chết.
UBND tỉnh Hòa Bình đã chuyển con rùa cho Bảo tàng bảo quản lâu dài nên hôm nay chúng ta mới được chiêm ngưỡng tiêu bản.
Rùa khổng lồ vốn có rất nhiều ở đất Thăng Long xưa. Riêng cuốn Việt sử lược đã có 20 lần nhắc đến rùa. Thời Lý, các “cụ rùa” bò lổm ngổm khắp ao đầm trên vùng Thăng Long. Các triều vua Lý đều được dân chúng dâng những con rùa khổng lồ có hình thù kỳ lạ.
Trải qua hàng ngàn năm, bị con người tận diệt, loài rùa quý khổng lồ này đã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Hiện cả nước chỉ chắc chắn còn một “cụ rùa” khổng lồ ở Hồ Gươm, hai con thuộc hạng chút chít của “cụ” ở Hồ Gươm và hồ Đồng Mô. Mỗi lần “cụ rùa” Hồ Gươm nổi, lại khiến bao trái tim xao xuyến. Cụ khó ở một chút, đã khiến các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ, các lãnh đạo chính quyền… đau tim.
Thế mới biết, “cụ rùa” có vị trí tâm linh vô cùng quan trọng với mỗi người dân đất nước này.