Chuyện kinh hoàng về cuốn sách giết người: Làn sóng tự tử vì đọc sách

  •  
  • 3.542

Hơn 2.000 người đã tự tử chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả bọn họ không có gì liên quan với nhau ngoài việc họ cùng đọc một cuốn sách.

Cách đây vài thế kỷ, châu Âu từng trải qua một làn sóng tự tử kỳ lạ. Hàng ngàn thanh niên được tìm thấy đã chết mà không có bất kỳ lý do rõ ràng nào.

Cuộc điều tra của nhà chức trách cho thấy tất cả bọn họ không hề có liên quan gì đến nhau, thậm chí cũng chưa hề gặp nhau khi còn sống. Thế nhưng họ đều mặc quần áo giống nhau và đều tự tìm cái chết bằng một khẩu súng.

Các nhà điều tra sau đó phát hiện ra một sự thật gây sốc – tất cả những nạn nhân đều đã đọc một cuốn sách bán chạy lúc bấy giờ, và cuốn sách vẫn còn phổ biến cho đến tận ngày nay.

Liệu các con chữ có thể gây ảnh hưởng tới con người đến mức mà hàng ngàn người đã quyết định tự tử sau khi đọc chúng? Điều gì đã thực sự xảy ra?

Năm 1774, Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832), một trong những nhà văn lớn nhất của nước Đức xuất bản cuốn tiểu thuyết lãng mạn có tên là “The Sufferings of Young Werther” (tạm dịch “Nỗi đau của chàng Werther”).

Nhà văn Đức Johann Wolfgang von Goethe và tập bản thảo cuốn sách của ông.
Nhà văn Đức Johann Wolfgang von Goethe và tập bản thảo cuốn sách của ông.

Goethe chỉ mất bốn tuần để hoàn thành quyển sách của mình, nhưng chắc ông cũng chẳng ngờ sự tác động từ nó lại kéo dài và thảm khốc đến vậy.

Ảnh hưởng của Goethe đã từng trải rộng khắp châu Âu. Mãi cho đến thế kỷ tiếp theo, các tác phẩm của ông vẫn là một nguồn cảm hứng lớn trong âm nhạc, kịch, thơ và thậm chí là triết học. Thật không may, một trong số đó lại liên quan đến rất nhiều cái chết.

Cuốn tiểu thuyết kể về anh chàng nghệ sỹ trẻ Werther, người đã yêu một phụ nữ mà anh không thể nào có được. Lotte, người mà Werther dành cho tình yêu sâu sắc, đã đính hôn với một người đàn ông khác.

Và mặc dù cũng rất yêu Werther nhưng cô gái đã quyết định chung thủy với hôn phu. Quá thất vọng và đau khổ, chàng trai trẻ tự tìm giải thoát bằng cách bắn vào đầu mình.

Cuốn sách của Goethe đã nhanh chóng trở thành một trong những cuốn bán chạy nhất vào thời điểm đó. Những thanh niên châu Âu phát sốt với câu chuyện tình cay đắng, bởi vì nó phản ảnh rất nhiều điều mà họ thấy đồng cảm với cuộc sống của chính mình.

Những cảm xúc mãnh liệt, cả trong tình yêu và sự tuyệt vọng, của Werther đã chiếm được rất nhiều trái tim. Ngay cả Napoléon Bonaparte – vị Hoàng đế vĩ đại của nước Pháp – khi ra trận cũng luôn mang theo một cuốn bên mình?

Thế nhưng điều mà Goethe đã không lường trước là có quá nhiều thanh niên sẽ theo bước Werther. Đột nhiên, những vụ tự sát diễn ra liên tiếp khắc châu Âu.

Hình minh họa cảnh Werther tự sát trong câu chuyện.
Hình minh họa cảnh Werther tự sát trong câu chuyện.

Thi thể của những thanh niên trẻ tuổi với chiếc áo khoác màu xanh và quần màu vàng – cùng một thứ trang phục của anh chàng trong tiểu thuyết – được tìm thấy khắp nơi: trên đường phố, tại nhà và nhiều chỗ khác.

Tất cả đều được tìm thấy với một khẩu súng lục và một viên đạn trong đầu, cùng với một bản sao của cuốn tiểu thuyết nổi đình nổi đám thời điểm đó – “Nỗi đau của chàng Werther".

Ảnh hưởng tiêu cực của cuốn sách đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Thậm chí Giáo Hội cũng lên án cuốn sách và khuyên răn mọi người nên tránh xa. Đối với người Cơ Đốc, tự vẫn được coi là một trong những tội lỗi lớn nhất.

Lo sợ làn sóng tự vẫn có thể lây lan, một số nước châu Âu như Na Uy, Áo, Đan Mạch và cả một vài bang của Đức đã cấm cuốn sách.

Ngay cả Goethe cũng phải thừa nhận có điều gì đó đã sai lầm khủng khiếp. Trong lần xuất bản thứ hai, ông đã phải đưa ra cảnh báo cho độc giả. Ngay trên trang bìa, ông nhấn mạnh “Hãy là một người đàn ông, đừng theo bước chân tôi”.

Phải mất đến hai năm, “cơn sốt Werther” mới kết thúc. Sau đó, số vụ tự sát liên quan đến cuốn sách ngày càng giảm. Na Uy là quốc gia châu Âu cuối cùng xóa bỏ lệnh cấm đối với cuốn sách vào năm 1820.

Ngày nay, cuốn sách của Goethe được coi là một trong những tác phẩm văn học phổ biến nhất mọi thời đại. Các nhà sử học ước tính có khoảng 2.000 người đã tự tử sau khi đọc “Nỗi đau của chàng Werther”, chỉ trong hai năm sau khi nó được phát hành.

Đương nhiên, cuốn sách không thể “giết” tất cả những người kia, nhưng khi những nỗi khổ đau, tuyệt vọng mà nó đề cập đến, vô tình lại rất gần với hiện thực cuộc sống mà người đọc đang gánh chịu, nó trở nên có sức mạnh điều khiển tâm trí người ta.

Thế mới thấy sức mạnh của ngôn từ, trong từng trường hợp có thể trở nên vô cùng đáng sợ!

Cập nhật: 27/02/2019 Theo VTC
  • 3.542