Chuyện “ngoại tình” của động vật

  •   42
  • 2.473

Ngoại tình không chỉ giới hạn trong thế giới của con người mà còn hiện diện trong thế giới của động vật. Con người ngoại tình có thể vì anh ta hay cô ta cảm thấy chán nản người bạn đời của mình nhưng lại bắt gặp những điều thú vị mới lạ ở người tình, và kết quả là gây ra những bất hạnh trong gia đình mà những đứa con thường là những nạn nhân phải lãnh chịu những hậu quả…Tuy nhiên sự “ngoại tình” của động vật có gì khác?

1. Cuộc “ngoại tình” của chim sáo đá cái

Đối với loài chim sáo đá, các nhà nghiên cứu Cornell đã phát hiện rằng con chim sáo đá cái “ngoại tình” không hẳn vì lợi ích của nó mà là vì lợi ích của… chim con!

Những con chim sáo đá cái có thể “cặp kè” thêm với những chim đực khác ở cùng đàn bởi vì những cá thể này có thể giúp chúng nuôi con. (Những con chim này là những “ông bố nuôi” hợp tác, các cặp chim đang nuôi con được các cá thể khác trong đàn trợ giúp chăm sóc chim non). Những con chim đực “tình nhân” ấy mang thức ăn về cho chim non và bảo vệ chúng, nâng tỷ lệ sinh tồn của chim non.

Thông thường các con chim cái sẽ rời đàn khi trưởng thành nhưng hầu hết các con chim đực đều dành trọn cuộc đời của mình với gia đình của chúng. Hầu hết chúng đều có mối quan hệ huyết thống với con chim “chồng” và những con chim non của nó. Thực ra, trong vai trò là những kẻ nuôi nấng, chúng đã góp phần cải thiện giòng giống của mình.

Một số con chim cái “ngoại tình” với những con chim đực khác nếu chúng nhận thấy những con chim đực này có những điểm tương đồng về gien. Những con chim lạ đó có thể di truyền những gien mới cho lứa chim non mặc dầu chúng không có sự trợ giúp nào trong việc nuôi con. Có nhiều gien khác lạ hơn đồng nghĩa với việc có thế hệ con cái khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên làm sao con cái có thể tìm ra những điểm tương đồng về gien, một hiện tượng cũng phổ biến ở những loài khác, thì đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.

Chim sáo đá (Ảnh: Wikipedia, VNN)

Dustin Rubenstein, một cựu sinh viên chuyên ngành sinh học thần kinh và hành vi của trường Cornell, nay là cộng sự nghiên cứu tại phòng thực nghiệm điểu học Cornell và hội viên nghiên cứu Miller tại trường đại học Carlifornia- Berkeley, phát biểu: “Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy các cá thể ở cùng một cộng đồng có quan hệ với các con đực phụ trợ khác và đạt được những lợi ích trực tiếp (như hỗ trợ nuôi con) và lợi ích gián tiếp (như thế hệ con cái có được gien tốt hơn) nhưng chúng làm điều đó trong những tình huống khác nhau”.

Thông thường nếu một con chim cái bị bắt gặp đang “ngoại tình” thì con chim “chồng” của nó sẽ trừng phạt nó bằng cách lơ là việc nuôi con hay thậm chí bỏ mặc con chim cái nuôi con một mình. Tuy nhiên chim sáo đá, một loài chim phổ biến ở Đông Phi, có những “ông bố nuôi” có tính hợp tác cho nên chim cái có nhiều động lực để “phản bội”, bởi vì ngay cả khi nó bị bắt gặp thì nó vẫn có sự trợ giúp từ những thành viên khác trong nhóm. Tuy vậy, chim sáo đá vẫn ít “lầm đường lạc lối” hơn so với các loài có hiện tượng nuôi con hợp tác khác. Những loài này có 40 đến 60% thế hệ con cái là kết quả của việc “ngoại tình”, nhưng ở loài chim sáo đá thì chỉ có 14%.

2. Mục đích chung của sự “ngoại tình

Nếu con người “ngoại tình” vì để thỏa mãn những cảm xúc của riêng anh ta hay cô ta thì ở loài động vật lại hoàn toàn khác. Cũng giống như chim sáo đá cái, những con cái của các loài động vật khác cũng “ngoại tình” vì mục đích bảo vệ con cái và tìm sự hỗ trợ trong việc nuôi con.

Với loài linh trưởng và sư tử, con cái phải quan hệ với các con đực càng nhiều càng tốt. Là bẩm tính bẩm sinh, con linh trưởng đực và sư tử đực sẵn sàng giết con khi những đứa con trong tổ không phải là con của chúng. Thế nhưng khi con cái có nhiều bạn tình thì chúng không biết đâu là con mình nên chúng không giám giết con nữa và kết quả là con cái có thể nuôi được nhiều con.

Sư tử đực có thể sẵn sàng giết con khi những đứa con trong tổ không phải là con của chúng(Ảnh: Wikipedia, VNN)

Ngoài ra, bằng cách quan hệ với nhiều con đực, con cái và con của nó mới được sự bảo vệ của nhiều con đực. Con diều hâu mái được con trống giúp nó nuôi con sau khi con trống giao phối với nó. Chim cánh đỏ mái cũng giao phối với rất nhiều con trống, bởi vì mỗi con trống đều cho rằng mình là cha của đàn con, một khi có kẻ địch tới quấy phá thì những người cha đó đều sẵn sàng xả thân để bảo vệ con mình.

3. Cuộc chiến giữa các “chàng

Hành vi thiếu chung tình của con cái khiến cuộc chiến giữa các con đực rất kịch liệt. Bởi vì con đực muốn bảo vệ nòi giống của mình và có thể di truyền gien của nó cho đời sau cho nên nó phải có những chiêu thức giao phối gian xảo. Chuồn chuồn đực có rất nhiều lông và những lỗ nhỏ trên bộ máy sinh dục của nó. Những bộ phận này được dùng để khử tinh trùng của các con chuồn chuồn đực khác phóng vào.

Khi con cua giao phối, trước hết con cua đực phóng tinh dịch vào trong túi đựng của con cái. Tinh dịch đó lập tức đông cứng lại biến thành cái van ngăn tinh dịch, mục đích là chặn không cho tinh trùng của các con đực đã phóng vào trước đó kết hợp với trứng của con cái. Sau khi đã tiêu diệt được "mầm mống" của đối thủ, con đực mới yên tâm xuất tinh.

4. Cuộc đấu giữa “nàng” và “chàng

Với những cuộc loạn giao vì “những mục đích cao cả” của con cái dành cho thế hệ con cháu đó thì con đực không chỉ “chiến đấu” với “tình địch”của nó mà còn phải đấu với cả con cái.

Có một cuộc chiến gay gắt diễn ra giữa hai giới, trong đó con đực thì muốn đảm bảo thế hệ con cái là của nó, còn con cái thì muốn tìm kiếm một người cha tốt nhất cho con mình. Cuộc chiến càng gay gắt, thì vũ khí lại càng lợi hại, chẳng hạn như ở vịt đực, chúng đã phát triển bộ phận dương vật cực lớn và phức tạp.

Đôi khi điều này dẫn tới những điều kỳ cục: cơ quan sinh dục ngoài của con đực có đầy gai, giúp nó neo lại bên trong con cái khi chúng cố thụ tinh. Khi điều đó trở nên quá đáng thì những chiếc gai có thể gây tổn thương tới con cái và làm tổn hại quá trình sinh sản.

Nhóm nghiên cứu Thuỵ Điển tại trường Đại học Uppsala do nhà sinh học tiến hoá Goran Arnqvist làm trưởng nhóm đã phát hiện ra rằng con cái cũng không chịu thua, nó đối đầu lại với thực tế đó bằng cách phát triển các cơ quan sinh dục thậm chí mạnh bạo hơn những cơ quan đầy gai của con đực. Tốc độ biến chuyển về “vũ khí” trong cuộc chiến giới tính này cũng là một lý do có thể giải thích cho con đường tiến hoá những loài mới.

Bên cạnh đó, mức độ chung thuỷ của con cái cũng có liên quan đến kích cỡ tinh hoàn của động vật hoang dã: con cái càng lả lơi thì tinh hoàn của con đực càng to, để cho tinh trùng càng có đủ sức mạnh bơi tới kết hợp với trứng. Pokehaide cho rằng, những hành vi giao phối kỳ quái đó của động vật là do loạn giao của con cái sinh ra.

Hằng Minh

Tổng hợp từ Softpedia News, Khoa Học và Văn Hoá/Trung Quốc, VNN

  • 42
  • 2.473