Những đụn cát mờ mờ sừng sững sau lưng thành cổ Đôn Hoàng của Trung Quốc giống như những con sóng khổng lồ chực ùa tới, và chúng quả thực đang vỗ vào vườn hành của Ma Wangzhen.
Chỉ tay về hàng cây chết khô, bị vùi một nửa trong cát, được trồng nhiều năm trước để chắn những đụn cát còn ở xa, nhưng giờ đây đã đến sát nách nhà, Ma, 60 tuổi nói: "Nó đi rất nhanh, nhanh hơn mọi thứ mà tôi có thể làm để chặn lại".
Ma thuộc số những người tiên phong trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của một kẻ thù dữ dội: sa mạc hoá.
Là một ốc đảo cổ trong tỉnh Cam Túc nghèo nằm dọc theo Con đường Tơ lụa, Đôn Hoàng đang gặp nguy hiểm do bị cát từ sa mạc Kumtag nuốt dần, với tốc độ tiến tới 4 mét một năm. Tình cảnh khốn khổ của thị trấn phản ánh rõ ràng nguy cơ của hiện tượng sa mạc hoá và những lựa chọn khó khăn đặt ra cho hàng triệu người đang sống ở miền bắc và phía tây Trung Quốc.
Khoảng 1 triệu dặm vuông bị coi là đất hoang mạc trong cuộc khảo sát mới đây nhất của chính phủ năm 2004, tăng hơn 50% trong 1 thập kỷ qua và là thách thức cho nhu cầu lương thực của 1, 3 tỷ người Trung Quốc.
Người dân đang làm việc trên cánh đồng bông ở Đôn Hoàng (Ảnh: AFP)
Tình trạng này xảy ra sau nhiều thế kỷ canh tác và chăn thả không bền vững, cũng như khai thác quá mức nguồn nước ít ỏi sẵn có. Chính phủ cũng đã nỗ lực ngăn chặn sự bành trướng của sa mạc thông qua việc tái trồng rừng và các biện pháp khác. Tuy nhiên, khí hậu khô và nóng hơn do trái đất ấm lên lại làm cho tình trạng trở nên căng thẳng.
Từng là một ốc đảo thân thiện cho những du khách trên Con đường Tơ lụa nhờ nguồn nước ngầm cổ dồi dào, nhưng Đôn Hoàng giờ đây đang khô kiệt.
Mực nước của thị trấn đã giảm đi 11,8 mét kể từ năm 1975 và vẫn tiếp tục tụt xuống theo nhu cầu cho một vùng đô thị tăng trưởng. Các sông và hồ trong vùng đã thu hẹp 80% diện tích trong 30 năm qua trong khi những đụn cát ngày càng đến gần.
Sa mạc đang lấn vào những cánh đồng của nông dân ở Đôn Hoàng. (Ảnh: AFP)
"Đây là một vấn đề rất phức tạp cho thấy chúng tôi đã lơ là vấn đề môi trường quá nhiều trong quá khứ", thị trưởng Sun Yulong nói. "Giờ đây, những thay đổi đang xảy ra. Đó là cách mà bà mẹ thiên nhiên trừng phạt chúng tôi".
Những cơn bão cát - với tần suất và cường độ mạnh hơn - cũng đã đẩy nhanh sự hư hại của các bức bích hoạ trong hang Mogao của Đôn Hoàng, một trong những di tích lịch sử lớn của Trung Quốc.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo gần đây đã kêu gọi các nỗ lực để ngăn Đôn Hoàng trở thành "một Loulan thứ hai", ngụ ý nói về một địa danh khác trên Con đường Tơ lụa nằm xa hơn về phía tây, cũng đã bị sa mạc nuốt chửng hồi thế kỷ trước.
(Ảnh: AFP)
Những tác động đến cư dân nơi đây cũng đã trở nên khắc nghiệt. Đứng giữa đồng bông hiu hắt, ông Dai Nianzuo 64 tuổi cho biết việc hạn chế nước đã làm giảm nghiêm trọng sản lượng. Thu nhập 3000 nhân dân tệ (khoảng 400 USD) mỗi năm giờ tụt xuống chỉ còn 1.200 tệ.
Còn Ma, người trồng hành, muốn biến tình trạng khó khăn này thành lợi thế bằng cách biến địa điền của ông thành điểm tham quan du lịch. Tuy nhiên, chính phủ cũng đã hạn chế những hoạt động như vậy.
(Ảnh: AFP)
Thuận An