CIA đã từng táo tợn đánh cắp tàu vũ trụ của Liên Xô 70 năm trước

  •  
  • 10.466

Một ngày cuối năm 1959 hoặc 1960, bốn đặc vụ xuất sắc của CIA làm việc xuyên đêm để tháo rời con tàu vũ trụ Lunik bắt cóc được của Liên Xô.

Họ chụp ảnh mọi thứ, ghi lại từng chi tiết cấu tạo, trước khi lắp ghép lại con tàu một cách hoàn hảo và không hề để lại chút dấu vết. Đó là phi vụ gián điệp táo tạo được thực hiện những năm đầu của cuộc đua vào vũ trụ. Mục tiêu là nhằm cân bằng cuộc chơi giữa hai siêu cường quốc, nhưng cũng chứa đựng nguy cơ biến chiến tranh lạnh thành chiến tranh nóng.

Tàu Luna 1 của Liên Xô cuối cùng lại bay vòng quanh Mặt trời.
Tàu Luna 1 của Liên Xô cuối cùng lại bay vòng quanh Mặt trời. (ảnh: NASA).

Ngày 2/1/1959, Liên bang Xô Viết khởi động chương trình Luna, được truyền thông phương Tây gọi là Lunik, bằng việc phóng tàu Luna 1. Luna 1 không đến được Mặt trăng, nhưng chuyến tàu kế tiếp đã đến đích và trở thành con tàu vũ trụ đầu tiên tiếp cận Mặt trăng vào tháng 9 năm đó. Một tháng sau, ngày 7/10, Luna 3 gửi về những bức ảnh đầu tiên trong lịch sử chụp phía khuất của Mặt trăng.

Đó là một năm huy hoàng của người Liên Xô trên Mặt trăng, trong khi thành quả của Mỹ chỉ là vài lần phóng không thành công. Sự thực này không chỉ giáng một đòn lên tinh thần dân tộc, mà còn ảnh hưởng ghê gớm đến tâm lý người Mỹ. Dù những người Mỹ có cảm thấy hào hứng trước sứ mệnh ngoài không gian đến thế nào đi nữa, họ vẫn nhìn thấy thực tại rằng đối thủ của họ đang sở hữu những tên lửa đẩy lớn hơn, các công nghệ tối tân hơn.

Sự chênh lệch giữa trình độ công nghệ của Mỹ và sức mạnh của Liên Xô là khởi nguồn cho một chương trình tình báo được CIA thực hiện. Bằng cách nghiên cứu tàu vũ trụ cùng các chuyến bay vào không gian của Liên Xô, CIA kỳ vọng họ không chỉ dự đoán trước được các đợt phóng tàu, tăng tầm ảnh hưởng lên công chúng, mà còn có thể điều chỉnh kế hoạch phóng tàu của Mỹ nhằm giữ được nhịp độ tốt hơn đối thủ. Ngay cả những phỏng đoán bởi những người có hiểu biết về kế hoạch của Liên Xô cũng có thể giúp Mỹ biết nên tập trung nỗ lực vào đâu để vượt mặt quốc gia này trong lĩnh vực không gian. Chiến dịch tình báo này cũng sẽ giúp các nhà lãnh đạo của Mỹ chuẩn bị đối phó tốt hơn trước Liên Xô.

Phi vụ tình báo của CIA tập trung vào những thông tin có thể tiếp cận từ xa. Đó chính là tình báo điện tử, theo dõi và nghe lén các dữ liệu nhằm mục đích thu thập đầy đủ thông tin về những chuyến bay vào vũ trụ của Liên Xô.

Nhưng việc này không phải là không có thử thách. Các đặc vụ Mỹ phải dự đoán chính xác thời điểm phóng tàu vũ trụ, phải sàng lọc, tìm kiếm thông tin từ xa. Phân tích sau chuyến bay cũng là một bước quan trọng. Sau khi lấy được bộ dữ liệu đầy đủ nhất có thể về đỉnh độ cao tàu vũ trụ, về hành tinh đích, điểm rơi của từng tầng tên lửa sau khi hoàn thành sứ mệnh, các đặc vụ CIA sẽ thực hiện phép toán ngoại suy về kích thước, sức mạnh của tên lửa đẩy. Nhưng tất cả cũng mới chỉ là một phần của bài toán, bởi các chuyến bay vào vũ trụ đều không giống nhau, mỗi chuyến bay đều cần những nỗ lực phi thường để có thể hiểu về những gì đang thực sự diễn ra. Khi đó, không có gì táo bạo hơn, siêu tưởng hơn quyết định bắt cóc Lunik.

Bề mặt Mặt trăng được chụp từ Luna 3.
Bề mặt Mặt trăng được chụp từ Luna 3. (ảnh: NASA/ Trung tâm không gian Liên Xô).

Khoảng từ cuối năm 1959 đến 1960, Liên Xô tổ chức hàng loạt triển lãm về các thành tựu kinh tế, công nghiệp của mình tại nhiều quốc gia. Trong số các vật trưng bày có tàu vũ trụ Sputnik và phần thân trên của Lunik đã được sơn mới và trang bị thêm cửa sổ quan sát ngay mũi tàu. Mới đầu, nhiều đặc vụ CIA cho rằng chiếc Lunik trưng bày chỉ là mô hình, tuy nhiên một số nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ, họ nghĩ Liên Xô đủ tự hào để mang một con tàu vũ trụ thật sự đến đây. Nghi ngờ này sau đó được xác nhận khi các đặc vụ tình báo CIA tìm cách tiếp cận Lunik vào một buổi tối khi triển lãm đã đóng cửa. Đó không phải là mô hình. Các đặc vụ khao khát được xem xét con tàu kỹ càng hơn. Họ mong mỏi được khám phá bên trong Lunik.

Nhưng nói thì dễ, làm được mới khó. Lunik được canh gác cẩn mật, bởi vậy để nghiên cứu về nó trước hoặc sau khi triển lãm đóng cửa là việc bất khả thi. Nhưng Lunik cũng di chuyển nhiều nơi, có nghĩa là có thể bị "mượn tạm" nếu có một mắt xích yếu. Và đúng là có sơ hở. Con tàu vũ trụ cùng tất cả các vật trưng bày khác được đựng trong những chiếc thùng gỗ trước khi được xe tải vận chuyển tới nhà ga, từ đó di chuyển bằng tàu hỏa đến thành phố tiếp theo. Tại sân ga, một người bảo vệ ghi lại từng thùng đồ được chuyển đến. Thứ mà người bảo vệ này thiếu là danh sách và thời gian đến dự kiến của mỗi thùng hàng. CIA nhanh chóng lên kế hoạch nhằm ăn trộm Lunik trong một đêm và sẽ trả lại con tàu về nhà ga trước khi trời sáng, kịp cho hành trình đến thành phố tiếp theo.

Cuối cùng cũng đến lúc thực hiện kế hoạch đã được vạch ra. CIA sắp xếp để chiếc thùng đựng Lunik là kiện hàng cuối cùng được đưa ra khỏi khu vực triển lãm. Bước đầu tiên hoàn thành. Theo sát chiếc xe chở Lunik là các đặc vụ CIA mặc thường phục, cải trang thành người dân địa phương. Các đặc vụ chặn chuyến xe tại ngã rẽ cuối trước khi đến ga, áp giải người tài xế đến một khách sạn, dùng vải phủ kín chiếc xe và lái đến một bãi xe cũ gần đó, nơi có tường bao quanh cao 3 mét. Mọi việc diễn ra suôn sẻ.

Sơ đồ phác thảo cấu tạo bên trong Lunik trong báo cáo của CIA năm 1961.
Sơ đồ phác thảo cấu tạo bên trong Lunik trong báo cáo của CIA năm 1961. (ảnh: CIA).

Trong khi đó, tại nhà ga, người bảo vệ theo dõi sát việc dỡ những thùng hàng được chuyển đến và về nhà khi nghĩ rằng đã hoàn thành nhiệm vụ với thùng đồ cuối cùng. Một vài đặc vụ CIA theo sát người này suốt đêm để đảm bảo ông không đi làm quá sớm vào hôm sau.

Quay trở lại bãi xe cũ, các đặc vụ CIA lái xe qua một lối đi hẹp, đóng cổng rồi phong tỏa khu vực. Họ hồi hộp chờ đợi trong nửa giờ để chắc chắn mình không bị theo dõi. Khi đã cảm thấy yên tâm, cả nhóm chuyển sự tập trung sang đối tượng chính của buổi tối hôm đó. Trước đó, họ đã tìm hiểu kỹ về chiếc thùng, biết rằng các cạnh bên được đóng chắc chắn từ bên trong, đồng nghĩa với việc cách duy nhất để tiếp cận Lunik là từ phía trên. Hai đặc vụ được giao nhiệm vụ tìm cách mở nắp chiếc thùng với điều kiện không để lại bất kỳ dấu vết nào trên những thanh gỗ - rất may là trước đó chiếc thùng đã được mở đi mở lại nhiều lần khiến những thanh gỗ trông cũng không còn mới – trong khi hai đặc vụ còn lại chuẩn bị cho việc chụp ảnh.

Khi nắp hộp được tháo rời, các đặc vụ nhận thấy Lunik chiếm gần hết không gian, đồng nghĩa với việc họ không thể đi lại bên trong chiếc hộp. Vì thế, nhóm được chia làm đôi, một nửa tập trung vào phần đầu trong khi nửa còn lại tìm hiểu về phần đuôi con tàu vũ trụ. Các đặc vụ cởi giầy, dùng thang dây leo xuống và bắt đầu khám phá Lunik. Họ đã dùng hết nguyên một cuộn phim chỉ để chụp phần ăng-ten rồi gửi đi xử lý. Họ muốn chắc chắn rằng những chiếc máy ảnh vẫn đang hoạt động tốt. Thật may khi thông tin trả về là những bức ảnh được chụp rõ ràng một cách hoàn hảo.

Hai đặc vụ phụ trách phần đuôi tàu vũ trụ tháo rời phần đế để tìm hiểu về động cơ bên trong. Dù động cơ không có ở đó, nhưng các khung lắp, bình nhiên liệu và bể oxy hóa cũng đủ giúp các chuyên gia hình dung được kích cỡ và sức mạnh của động cơ. Phía mũi tàu, các đặc vụ phát hiện một thanh cứng chạy dọc thân tàu, được cố định bằng ổ điện bốn chiều có vẻ ngoài giống một con ốc vít. Ổ điện được bọc ngoài bằng một chi tiết bằng nhựa có gắn tem niêm phong. Đó là ‘cửa ngõ' duy nhất để tìm hiểu phía trong con tàu, nhưng nếu tem niêm phong bị mất những vệ sĩ Liên Xô sẽ biết rằng có ai đó đã chọc ngoáy vào con tàu không gian của họ. Không cam lòng từ bỏ chỉ vì một mẩu nhựa, các đặc vụ trao đổi với đồng nghiệp của mình tại CIA về việc liệu tem niêm phong có thể được nhân bản để kịp gắn lại con tàu hay không. Câu trả lời xác nhận từ các đồng nghiệp giúp họ có thêm tự tin để cắt đôi miếng nhựa. Tem niêm phong sau đó được gửi đi nhân bản trong khi các đặc vụ bắt đầu tìm hiểu về cấu tạo bên trong của Lunik.

Đáng chú ý, trong khi hành động, họ đã phải vặn ra gần 130 con ốc đầu bốn cạnh và làm giả một con dấu niêm phong của Liên Xô. Các đặc vụ làm việc xuyên đêm. Khi bình minh đến, cả nhóm lắp ráp lại Lunik, cố gắng không để lại dấu vết. Họ gắn tem niêm phong, đậy nắp thùng gỗ, khi vệ tinh đã được lắp lại hoàn toàn và được đặt lại như cũ trong thùng đóng kín trên xe tải. Người tài xế được đưa trở lại buồng lái lúc 5 giờ sáng, đến 7 giờ khi người bảo vệ bắt đầu ca làm việc buổi sáng chiếc xe đã đợi sẵn tại sân ga. Ông chẳng mảy may nghi ngờ mà ngay lập tức thêm thùng đồ vào danh sách quản lý của mình, còn Lunik tiếp tục chuyến hành trình đến thành phố tiếp theo.

Theo kết quả xử lý thông tin nhận được, người Mỹ nhận thấy rằng, trước mặt họ là vệ tinh Mặt trăng thứ 6 được chế tạo (có thể đây là thiết bị E-1A số 6 chưa bao giờ được phóng đi). Những thông tin thu thập được cũng giúp cho CIA nhận dạng 3 nhà sản xuất thiết bị cho chương trình vũ trụ của Liên Xô, đồng thời xác định được nhiều chi tiết khác, mà giá trị của chúng đối với chương trình vũ trụ Mỹ vẫn còn chưa biết đến hoặc còn che giấu trong báo cáo.

Lần bắt cóc Lunik này của CIA đóng vai trò tương đối quan trọng. Nắm được trọng lượng khô và kích thước thực sự của Lunik cho phép các chuyên gia xác định trọng lượng con tàu khi đã chất đầy nhiên liệu. Từ đó, phía Mỹ có thể tính toán được sức mạnh thực sự của tên lửa đẩy, ước tính tiềm lực của Liên Xô, và quan trọng hơn là xác định giới hạn khối chất nổ theo công nghệ hiện thời. Bắt cóc Lunik giúp Mỹ xác định được những việc Liên Xô không thể làm nếu không có đột phá lớn về công nghệ. Đây là thông tin hữu ích để các nhà lãnh đạo nước Mỹ, những người đứng đầu NASA đặt ra mục tiêu và khung lịch trình hợp lý, nhằm bắt kịp và cuối cùng là qua mặt Liên Xô trong lĩnh vực không gian.

Cập nhật: 06/08/2021 Theo vnreview/QĐND
  • 10.466