Một loạt văn bản Ả rập thời Trung cổ mới tìm thấy đã tiết lộ nữ hoàng Ai Cập Cleopatra VII là một nhà toán học, hóa học và triết học tài ba, tác giả của nhiều cuốn sách khoa học. Bà còn gặp gỡ hằng tuần với một nhóm các chuyên gia để trao đổi ý tưởng.
Nếu các sử gia xác minh những dẫn chứng này là thật, thì nữ hoàng lừng lẫy một thời sẽ không còn mang tiếng người đàn bà lăng loàn như những học giả Hy Lạp và La Mã miêu tả.
Những tiết lộ mới nằm trong trong cuốn sách mang tên Egyptology: The Missing Millennium, Ancient Egypt in Medieval Arabic Writings, sẽ được Đại học London xuất bản vào tháng 1. Tác giả Okasha El Daly, nhà Ai Cập học tại Bảo tàng khảo cổ Ai Cập thuộc Đại học London, đã tìm thấy những văn bản Ả rập thời Trung cổ này và dịch, phân tích chúng dựa trên kiến thức về lịch sử Ai Cập cổ đại.
El Daly tin rằng các tác giả Ả Rập đã tiếp cận được tới những văn bản đầu tiên nói về Cleopatra, và thậm chí cả những cuốn sách mà bà là tác giả. Nhưng những tư liệu đó giờ đây không còn. Thư viện Alexandria, nơi cất giữ những tài liệu cổ về Ai Cập, đã bị quân đạo Hồi đốt cháy nhằm phá hủy mọi tư liệu có trước kinh Koran.
El Daly đã dẫn chứng tài liệu Ả Rập đầu tiên viết về Cleopatra là của nhà khoa học Al-Masudi, chết năm 956 sau Công nguyên. Trong cuốn sách mang tên Muruj, Al-Masudi đã miêu tả Cleopatra như sau: "Bà là một hiền nhân, một nhà triết học, luôn đề cao các học giả và thích thú trao đổi cùng họ. Bà cũng viết những cuốn sách về y học, bùa mê và mỹ phẩm".
Các tác giả Ả Rập trung cổ như Al-Bakri, Yaqut, Ibn Al-Ibri, Ibn Duqmaq và Al-Maqrizi cũng kể lại họ ấn tượng như thế nào trước những dự án xây dựng của nữ hoàng. Thực tế, một quyển sách Ả rập của thầy tu Ai Cập John of Nikiou có nói rằng các dự án xây dựng của nữ hoàng ở Alexandria không giống với bất cứ công trình nào trước đó. Nhưng một nhà sử học Ả rập khác, Ibn Ab Al-Hakam, lại cho rằng một trong những công trình vĩ đại nhất của thế giới cổ đại - ngọn hải đăng Alexandria - chính là của Cleopatra.
El Daly nhận xét: "Đó không chỉ là một ngọn hải đăng hướng dẫn tàu bè, mà còn là một kính viễn vọng vĩ đại, có những thấu kính lớn có thể đốt cháy tàu bè của quân địch khi định tấn công Ai Cập".
Những nguồn khác lại nói Cleopatra đã chế tạo ra công thức chữa rụng tóc và thậm chí nghiên cứu cả phụ khoa. Các tác giả Ibn Fatik và Ibn Usaybiah cho biết bà đã thực hiện những cuộc thí nghiệm để xác định các giai đoạn phát triển của bào thai người trong tử cung.
"Tất cả những thông tin hiện thời về Cleopatra đều bắt nguồn từ kẻ thù. Những người La Mã khinh ghét bà và muốn dựng nên một hình ảnh dâm dục về người đàn bà bé nhỏ", El Daly nhận định. Ông cũng chỉ ra những đồng tiền mang hình bà thực ra là một phụ nữ rất bình thường mà không hề xinh đẹp theo quan niệm truyền thống.
Tuy nhiên Mary Lefkowitz, giáo sư tại Viện nghiên cứu cổ điển thuộc Đại học Wellesley, không đồng ý với ý kiến rằng người La Mã đã cố tình bôi xấu hình ảnh Cleopatra. "Thực ra người La Mã rất ngưỡng mộ Cleopatra, mặc dù họ vẫn sợ quyền lực của bà", Lefkowitz nói.
Lefkowitz cũng bổ sung rằng Cleopatra là tên hoàng gia trong triều đại Ptolemaic của Ai Cập, nên có thể những sử sách Ả rập đã đề cập đến một nữ hoàng khác trùng tên. Nhưng Lisa Schwappach, tại Bảo tàng Ai Cập ở California, Mỹ, tin rằng rất có khả năng nữ hoàng Cleopatra VII là một nhà khoa học hơn là một người đàn bà dâm đãng.
"Ít nhất Cleopatra cũng có liên quan tới y học, thông qua việc bà hỗ trợ ngôi đền Hathor ở Dendera. Phụ nữ thường đến ngôi đền này để chữa trị về cả thể chất lẫn tinh thần", Schwappach nói.
Bà bổ sung: "Cleopatra đã được dạy dỗ về khoa học và không có gì ngạc nhiên khi bà ủng hộ các học giả và trao đổi suy nghĩ với họ. Bà có thể sánh ngang hàng với họ không chỉ bởi địa vị xã hội mà còn bởi học thức và trí tuệ".
Minh Thi