Có ngày ta sẽ ăn món kẹo dẻo ngon lành làm từ... cánh quạt tuabin gió

  •  
  • 230

Các nhà khoa học cho biết thế hệ tiếp theo của các cánh quạt tuabin gió có thể được tái chế thành món kẹo dẻo.

Năng lượng gió là một trong những dạng năng lượng hiện đang chiếm ưu thế trên thị trường năng lượng sạch thế giới. Thông thường các cánh tuabin được làm bằng sợi thủy tinh, với chiều dài có thể lên đến nửa sân bóng đá và mất rất nhiều công sức để xử lý. Chúng thường kết thúc vòng đời tại các bãi phế liệu.

Món kẹo dẻo gấu này được tạo ra từ Kali Lactat
Món kẹo dẻo gấu này được tạo ra từ Kali Lactat - (Ảnh: John Dorgan)

Thay vì tiếp tục lãng phí, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Michigan (Mỹ) đã tạo ra một chất liệu mới cho các cánh quạt tuabin gió, bằng cách kết hợp sợi thủy tinh với một loại polyme có nguồn gốc thực vật và một loại polyme tổng hợp khác.

Sau khi hết tuổi thọ hoạt động, các cánh tuabin sẽ được đưa về lại nơi sản xuất để tiêu hủy hoàn toàn thành phần nhựa bằng dung dịch kiềm, tạo ra Kali Lactat (Potassium lactate) - một hợp chất có thể được dùng để chế biến thành đồ ngọt và đồ uống thể thao.

Quá trình phân hủy kiềm cũng giải phóng Poly (Metyl Methacrylate), hoặc PMMA, một vật liệu acrylic phổ biến được sử dụng trong cửa sổ và đèn hậu xe hơi.

John Dorgan, một trong những tác giả của bài báo cáo, cho biết họ đã lọc tách Kali Lactat và sử dụng nó để làm kẹo dẻo hình gấu.

Tái chế cũng đang là một vấn đề nóng của ngành công nghiệp
Tái chế cũng đang là một vấn đề nóng của ngành công nghiệp - (Nguồn: Ed White)

Sau khi thử ăn món kẹo dẻo có nguồn gốc từ tuabin gió, Dorgan chia sẻ: "Một nguyên tử carbon có nguồn gốc từ thực vật như ngô hoặc cỏ thực chất cũng không khác gì một nguyên tử carbon đến từ nhiên liệu hóa thạch. Tất cả đều là một phần của chu trình carbon và chúng tôi đã chứng minh rằng chúng tôi có thể chuyển cây cỏ trên đồng ruộng thành vật liệu nhựa bền vững và cuối cùng trở lại thành thực phẩm".

Ông nói thêm: "Điều khác biệt mà chúng tôi tạo ra nằm ở cuối chu kỳ sử dụng của một cánh quạt, chúng tôi có thể bóc tách các chất hóa học không cần thiết để thực hiện tái chế. Đó là mục tiêu của nền kinh tế vòng tròn nhằm bảo vệ môi trường sống của chúng ta".

Các nhà nghiên cứu sẽ trình bày kết quả của họ tại một cuộc họp của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ. Họ dự định chế tạo một số cánh quạt để có thể thực nghiệm ngay tại đó.

Cập nhật: 26/08/2022 Tuổi Trẻ
  • 230