Cơ sở chất thải hạt nhân độc hại nhất ở Mỹ

  •  
  • 81

Cơ sở Hanford vẫn là gánh nặng môi trường và nỗi ám ảnh với người dân địa phương hàng thập kỷ sau khi ngừng sản xuất plutonium.

Vụ nổ bom nguyên tử ở Nagasaki năm 1945 có nguồn gốc từ cơ sở Hanford trên một sa mạc ở bang Washington, nơi sản xuất lượng chất thải phóng xạ khổng lồ trong thế kỷ 20. Trải rộng trên diện tích 1.550 km2, cơ sở Hanford được thành lập vào năm 1943 trong dự án Manhattan cho mục đích duy nhất là sản xuất plutonium ở quy mô công nghiệp. Sử dụng 9 lò phản ứng và 5 tổ hợp xử lý plutonium lớn, số lượng lớn plutonium dùng cho vũ khí được sản xuất bằng cách chiếu xạ những thanh nhiên liệu uranium, theo IFL Science.

Cơ sở Hanford ven sông Colorado
Cơ sở Hanford ven sông Colorado. (Ảnh: Wikimedia).

Vật liệu sản xuất tại Hanford chịu trách nhiệm cho một số vụ nổ có sức tàn phá lớn nhất mà con người từng tạo ra. Vào những ngày đầu của cơ sở, plutonium được chuyển từ Hanford tới Phòng thí nghiệm Los Alamos ở New Mexico, nơi các nhà khoa học trong Dự án Manhattan sẽ sử dụng vật liệu này trong phát triển vũ khí hạt nhân. Một phần vật liệu được dùng để chế tạo quả bom hạt nhân sử dụng cho thử nghiệm Trinity, vụ nổ bom hạt nhân đầu tiên trên thế giới và "Fat Man", quả bom Mỹ thả xuống Nagasaki cuối Thế chiến II.

Cơ sở nằm ở vùng hẻo lánh thuộc hạt Benton của bang Washington được lựa chọn do nguồn cung cấp nước lạnh dồi dào từ sông Columbia, giúp làm mát lò phản ứng. Vị trí này cũng tương đối xa xôi dù một số cư dân được yêu cầu chuyển đi để xây dựng cơ sở. Đầu năm 1943, khoảng 1.500 cư dân địa phương nhận được thư từ chính phủ Mỹ yêu cầu họ rời khỏi nhà trong vòng 90 ngày.

Từ năm 1944 đến năm 1989, cơ sở Hanford đã sản xuất 74 tấn plutonium cho chương trình vũ khí hạt nhân của Mỹ. Điều này tạo ra rất nhiều phụ phẩm và chất thải phóng xạ, bao gồm 212 triệu lít chất thải lưu trữ trong 177 bể ngầm lớn làm từ bê tông bọc thép. Quá trình sản xuất chấm dứt vào cuối thập niên 1980 khi Chiến tranh Lạnh gần kết thúc và một chương trình được tiến hành để dọn sạch cơ sở, nhưng việc đó rất khó khăn.

Qua nhiều năm, ước tính Bộ Năng lượng đã xả hàng triệu lít nước thải trực tiếp vào đất và sông Columbia. Theo New York Times, chất phóng xạ giải phóng từ cơ sở Hanford xuống sông đã đổ ra Thái Bình Dương qua hơn 322km theo hạ lưu sông. Dọc đường đi, nó làm ô nhiễm nguồn nước uống và bị cá hấp thụ, khiến hàng nghìn người tiếp xúc với liều lượng có khả năng gây nguy hiểm.

Bên cạnh nước thải, các bể chứa dưới lòng đất cũng gây ra nhiều vấn đề và có xu hướng rò rỉ. Năm 2013, thống đốc bang Washington cho biết các bể mất khoảng 568 - 1.135 lít mỗi năm. Nước thải thất thoát ngấm vào đất và tầng ngậm nước xung quanh, lan rộng ra môi trường. Tình trạng ô nhiễm nước ngầm diễn ra trên tổng diện tích 207 km2 vào thập niên 1980, và nước ngầm ở 155 km2 vẫn bị ô nhiễm trên mức tiêu chuẩn liên bang. Kết quả là nhiều nơi tại cơ sở Hanford hạn chế người đến gần.

Phóng xạ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân trong vùng, thậm chí nhiều thập kỷ sau khi cơ sở đóng cửa. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư, vô sinh, bệnh tuyến giáp và bạch huyết tăng lên ở người dân sống gần cơ sở Hanford. "Plutonium có chu kỳ bán rã 24.000 năm, biến nó thành vấn đề kéo dài suốt nhiều thế hệ. Quá trình dọn dẹp không khiến chất thải ở Hanford biến mất. Phần lớn sẽ ở đó vĩnh viễn", tiến sĩ Shannon Cram, phó giáo sư ở Trường khoa học và nghệ thuật liên ngành thuộc Đại học Washington Bothell, nhấn mạnh.

Cập nhật: 15/11/2024 VnExpress
  • 81