Có thể điều khiển chi bị liệt bằng suy nghĩ

  •  
  • 552

Nhóm nghiên cứu Braingate của Mỹ đã giới thiệu công nghệ tương tác giữa não bộ và máy tính, cho phép người bị liệt có thể điều khiển tay chân thông qua suy nghĩ.

Công trình nghiên cứu của nhóm thuộc trường ĐH Case Western Reserve và Trung tâm kích thích chức năng Cleveland (Mỹ) đã được công bố trên tạp chí Lancet ngày 28-3, theo hãng tin Reuters.

Nhóm nghiên cứu đã thực nghiệm trên cơ thể của ông Bill Kochevar, 56 tuổi, bị liệt nửa người dưới vai cách đây 8 năm sau một tai nạn giao thông. Kết quả rất khả quan khi ông Kochevar đã có thể tự nghiền khoai và dùng tay để ăn uống.

Đây là sự kết hợp giữa các cảm biến não và hệ thống kích thích cơ chi bằng điện. Để làm được điều này, nhóm đã cấy ghép 2 cảm biến có kích thước bằng một viên thuốc aspirin dành cho trẻ em vào người ông Kochevar.

Ông Bill Kochevar điều khiển cánh tay bị liệt đã 8 năm chỉ bằng suy nghĩ
Ông Bill Kochevar điều khiển cánh tay bị liệt đã 8 năm chỉ bằng suy nghĩ - (Ảnh: Reuters).

Mỗi cảm biến như vậy có chứa 96 điện cực dùng để ghi nhận các tín hiệu từ não bộ. Mỗi khi ông Kochevar thử tưởng tượng rằng mình đang cử động hai cánh tay bị liệt, các cảm biến này sẽ ghi nhận tín hiệu từ não và truyền đến một máy tính.

Từ đấy, tín hiệu sẽ được xử lý và tiếp tục truyền tới hệ thống kích thích cơ chi bằng điện gồm 30 dây khác nhau được gắn vào cơ và các tay của ông Kochevar để điều khiển chúng theo đúng suy nghĩ.

Máy tính ở đây đóng vai trò vừa là nơi ra lệnh điều khiển, vừa là công cụ giúp người bệnh có thể học và nhận biết được quá trình ra lệnh thông qua các chi mô phỏng trên màn hình.

Ông Robert Kirsch - thành viên nhóm nghiên cứu - khẳng định nhờ vào mô phỏng trên, ông Kochevar đã có thể sử dụng dễ dàng chỉ trong ngày đầu tiên thử nghiệm.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp sẽ cần một khoảng thời gian để các hoạt động tại phần bị liệt có thể trở lại bình thường.

Như ông Kochevar, vì các bó cơ đã lâu không được hoạt động nên phải cần đến 45 tuần hoạt động, hai cánh tay mới như người bình thường. Giờ đây, ông Kochevar đã có thể tự cầm ống hút để uống nước hay gãi ngứa trên mặt.

Viện y tế quốc gia và Bộ Cựu chiến binh Mỹ đã tài trợ cho nghiên cứu của Braingate. Tuy đây chỉ là thử nghiệm ban đầu, song theo nhóm nghiên cứu, hoàn thiện và tạo ra hàng loạt một hệ thống như vậy là hoàn toàn khả thi trong tương lai.

Cập nhật: 30/03/2017 Theo Tuổi Trẻ
  • 552