Con người có thể tự tái tạo các chi

  •  
  • 1.881

Trong các bộ phim giả tưởng, tay và chân của siêu nhân mọc lại sau khi chúng bị chặt đứt. Các nhà khoa học khẳng định một ngày nào đó người bình thường cũng sẽ có khả năng tương tự.

Một số động vật lưỡng cư có thể tái tạo những bộ phận bị mất hoặc tổn thương trên cơ thể chúng. Chẳng hạn, khi loài giông mất chi, một bướu nhỏ sẽ nhanh chóng hình thành phía trên vết thương. Người ta gọi nó là mầm gốc (blastema). Trong vòng vài tuần mầm gốc biến đổi thành một chi mới có khả năng hoạt động y hệt chi cũ và không để lại sẹo.

Ban đầu giới khoa học cho rằng khả năng tái tạo bộ phận cơ thể của giông không liên quan tới cơ chế lành vết thương ở người. Nhưng các nhà nghiên cứu của Đại học Florida (Mỹ) mới phát hiện ra rằng khả năng này không quá bí hiểm và kỳ diệu như người ta vẫn tưởng. Thậm chí chúng ta còn có thể tìm ra cách ứng dụng nó trên cơ thể người.

Khả năng hồi sinh bộ phận cơ thể của giông rất giống quá trình lành vết thương ở động vật có vú. Chúng ta có quyền hy vọng rằng, một ngày nào đó loài người sẽ có khả năng tự tái tạo các mô”, giáo sư Malcolm Maden, một nhà sinh học của Đại học Florida, phát biểu. 

Giông Axolotl ở Mexico còn được gọi là quái vật nước bởi hình dạng kỳ lạ của chúng.  (Ảnh: National geographic)

Maden và cộng sự nghiên cứu giông Axolotl – loài có nguồn gốc từ Mexico và có khả năng tái tạo mọi bộ phận, kể cả tim. Ban đầu họ nghĩ rằng một loại tế bào có tên "pluripotent" trong cơ thể giông có thể biến thành mọi mô, bộ phận trên cơ thể chúng khi cần thiết. Nhưng sau đó nhóm chuyên gia phát hiện quá trình tái tạo bộ phận cơ thể của giông chỉ phức tạp hơn một chút so với quá trình làm lành vết thương ở người và động vật có vú.

Tế bào gốc là tác nhân gây nên hai quá trình trên. Song ở giông, tế bào gốc có khả năng nhận ra tế bào cùng loại. Vì thế chúng tự sắp xếp theo thứ tự chính xác để tái tạo bộ phận bị mất hoặc tổn thương. Tế bào gốc ở động vật có vú có thể làm lành vết thương hoặc nối liền những đoạn xương gãy, nhưng chúng không thể tái tạo chi hoặc dây thần kinh cột sống.

Nhóm nghiên cứu khẳng định bắt chước khả năng tái tạo chi của giông là việc mà nền khoa học hiện nay có thể làm được. Cơ chế tái tạo của giông hoàn hảo đến nỗi nó không để lại sẹo. Con người cũng có thể học được cơ chế đó.

Maden cho biết nhóm của ông sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu xem tại sao tế bào gốc của giông lại có thể nhận ra nhau và tự sắp xếp theo trình tự chính xác để tái tạo bộ phận cơ thể. “Nếu bạn hiểu nguyên nhân khiến giông có thể tái sinh bộ phận cơ thể thì bạn cũng sẽ hiểu tại sao động vật có vú không làm được điều tương tự”, ông nói. 

Minh Long - Vnexpress (Theo Telegraph)
  • 1.881