Con người khiến các dòng sông trên thế giới thay đổi ra sao?

  •  
  • 645

Trong 40 năm qua, con người đã làm thay đổi các dòng sông lớn nhất thế giới với tốc độ chưa từng có.

Theo một nghiên cứu mới của Đại học Dartmouth (Mỹ) được công bố trên tạp chí Science, cách thức hoạt động của các con sông bị ảnh hưởng đáng kể bởi lượng phù sa mà chúng vận chuyển và trầm tích của nó.

Đập Tam Hiệp tại Trung Quốc làm thay đổi dòng chảy sau 11 năm (1999 - 2010)
Đập Tam Hiệp tại Trung Quốc làm thay đổi dòng chảy sau 11 năm (1999 - 2010) - (Ảnh: NASA)

Các nhà nghiên cứu sử dụng các hình ảnh vệ tinh từ NASA Landsat và các kho lưu trữ kỹ thuật số về dữ liệu thủy văn để kiểm tra những thay đổi về lượng phù sa được đưa đến các đại dương của 414 con sông lớn nhất thế giới từ năm 1984 đến 2020.

Tác giả chính Evan Dethier, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Dartmouth, cho biết lượng phù sa của các con sông thường được quyết định từ các quá trình phát triển tự nhiên trong lưu vực sông, như lượng mưa, lở đất hay thảm thực vật..

Đập Hoover
Đập Hoover trên sông Colorado, nằm ở biên giới giữa các bang Nevada và Arizona, là con đập nổi tiếng nhất của Mỹ cao 221m - (Ảnh: ALBOM ADVENTURES)

Các nhà nghiên cứu nhận thấy các hoạt động trực tiếp của con người đang lấn át các quá trình tự nhiên này, thậm chí còn lớn hơn tác động của biến đổi khí hậu.

Các phát hiện cho thấy việc xây dựng đập lớn trong thế kỷ XX ở khu vực phía bắc thủy văn toàn cầu - bao gồm Bắc Mỹ, châu Âu, lục địa Á - Âu và châu Á - đã làm giảm 49% lượng bùn cát lơ lửng từ sông chuyển đến đại dương so với điều kiện trước khi có đập.

Sự sụt giảm toàn cầu này đã xảy ra bất chấp sự gia tăng đáng kể trong việc cung cấp trầm tích từ phía nam thủy văn toàn cầu - bao gồm Nam Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương. Tại đây, vận chuyển phù sa đã tăng lên ở 36% các con sông trong khu vực do sự thay đổi mục đích sử dụng đất lớn.

Đập Oroville ở bang California cao nhất nước Mỹ với 235m
Đập Oroville ở bang California cao nhất nước Mỹ với 235m - (Ảnh: WATER EDUCATION FOUNDATION)

Những thay đổi này đều do các hoạt động của con người, như khai thác vàng trong phù sa ở Nam Mỹ và châu Phi cận Sahara; khai thác cát ở Bangladesh và Ấn Độ; và các đồn điền trồng dầu cọ trên phần lớn châu Đại Dương.

Còn ở phía bắc, việc xây dựng đập là tác nhân chính gây ra sự thay đổi của các con sông trong vài thế kỷ qua. Chỉ riêng ở Mỹ, có hơn 90.000 đập được xây dựng.

Tuy nhiên ở Mỹ và các nước khác ở Bắc bán cầu, nhiều đập đã có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, và đã xây dựng ít đập hơn trong thế kỷ XXI. Do đó, sự suy giảm vận chuyển trầm tích gần đây tương đối nhỏ.

Đập Yacyretá, trên sông Parana giữa tỉnh Corrientes của Argentina và thành phố Ayolas của Paraguay
Đập Yacyretá, trên sông Parana giữa tỉnh Corrientes của Argentina và thành phố Ayolas của Paraguay - (Ảnh: WIKIPEDIA)

Nhưng việc xây dựng đập ở Âu - Á và châu Á trong 30 năm qua, đặc biệt là ở Trung Quốc, dẫn đến việc giảm vận chuyển trầm tích ở các con sông trên toàn cầu đang diễn ra.

Đồng tác giả nghiên cứu, ông Francis Magilligan, giáo sư địa lý, nhấn mạnh: "Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với những nơi đông dân cư như Việt Nam, nơi mà nguồn cung cấp trầm tích đã bị giảm đáng kể do hoạt động của các đập dọc sông Mekong".

Ông Carl Renshaw, giáo sư khoa học Trái đất tại Dartmouth, cho biết: "Hoạt động của các con sông cung cấp những chỉ số khá nhạy cảm về những gì chúng ta đang làm đối với bề mặt Trái đất - chúng giống như một nhiệt kế đo sự thay đổi trong việc sử dụng đất và nước".

Cập nhật: 04/07/2022 Tuổi Trẻ
  • 645