Con người là kẻ thù lớn nhất của Trái đất?

  •  
  • 4.252

Cho tới nay, giới khoa học vẫn tranh cãi về việc liệu con người có phải là “thủ phạm” chính gây ra sự tuyệt diệt của nhiều loại thú lớn trên Trái đất hay không.

Trên Trái đất từng ngự trị rất nhiều loài động vật to lớn (gọi tắt là megafauna), từ voi ma mút, hải ly khổng lồ tới hổ răng kiếm và rùa có sừng. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 triệu năm qua, rất nhiều trong số các loài thú khổng lồ này đã bị tuyệt chủng hoàn toàn hoặc được thay thế bằng những bản sao nhỏ hơn, chung sống bên cạnh loài người ngày càng đông đảo về số lượng.

Tranh cãi về nguyên nhân chính xác gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt của thú lớn trên Trái đất đã nổ ra từ nhiều năm trở lại đây. Một bên cho rằng, “thủ phạm” là sự biến đổi khí hậu tự nhiên, trong khi bên đối ngược quả quyết, chính con người cùng với các cách thức ăn thịt của chúng ta đã “tàn phá” thế giới.

Con người là kẻ thù lớn nhất của Trái đất?
Con người được cho là thủ phạm chính dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài thú lớn trên Trái đất, kể cả voi ma mút. (Ảnh: Corbis)

Hội thảo Megafauna thường niên diễn ra tại Đại học St John ở Oxford, Anh hồi đầu tuần này là cơ hội để các nhà nghiên cứu, chuyên gia động vật học và khảo cổ học tranh luận về sự tuyệt chủng của các loài thú lớn cũng như việc chúng biến mất đã ảnh hưởng tới cách sống của chúng ta như thế nào.

Theo chuyên gia môi trường người Anh George Monbiot, có một mối tương quan trực tiếp giữa sự xuất hiện của con người trên khắp các lục địa với sự biến mất của nhiều loài thú lớn trên toàn cầu. Ông Monbiot trích dẫn ví dụ rằng, trước khi người “đứng thẳng” (Homo erectus), vốn được thừa nhận là tổ tiên đầu tiên của con người, xuất hiện ở châu Phi, lục địa này từng tràn ngập các quái thú khổng lồ, kể cả nhiều loại voi to lớn.

Người “đứng thẳng” sở hữu nhiều đặc điểm dường như khiến họ trở thành bất bại: sự thông minh, tinh thần đoàn kết, khả năng thích nghi với gần như mọi loại thức ăn trong hoàn cảnh khó khăn cũng như việc dùng vũ khí săn bắt hoặc chống lại các loài động vật khác từ xa. Thực tế này có thể cướp mồi của các loài thú săn mồi to lớn cũng như đẩy chúng và các động vật ăn cỏ vào tình trạng suy kiệt và tuyệt chủng.

Tuy nhiên, các chuyên gia khảo cổ học đã phản bác lại giả thuyết “tàn sát quá mức” trên suốt nhiều năm qua. Chẳng hạn như, một số nhà nghiên cứu tuyên bố, trong số 36 loài đã được xác nhận tuyệt chủng tới nay, chỉ có 2 loài (voi ma mút và voi răng mấu) có dấu hiệu bị con người săn bắt hay tấn công, kể cả những vết cắt vào xương và cơ thể.

Các nhà nghiên cứu khác lại nhận thấy sự tương đồng giữa thời điểm những loài thú lớn tuyệt chủng với các thay đổi lớn về nhiệt độ khi thời kỳ băng hà cuối cùng chấm dứt trên Trái đất.

Một số chuyên gia khác lại nghiêng về ủng hộ giả thuyết rằng, cả con người và biến đổi khí hậu đều có tác động dẫn tới sự biến mất của nhiều loài thú lớn, nhưng với những quy mô khác nhau.

Chẳng hạn như, theo nghiên cứu của chuyên gia Lewis Bartlett thuộc Đại học Exeter (Anh) và các cộng sự, 1/4 - 1/3 số trường hợp tuyệt chủng do biến đổi khí hậu gây ra. Số lớn hơn còn lại là do con người, chứng tỏ loài người là tác nhân chính.

Theo Vietnamnet, Daily Mail, Livescience
  • 4.252