Con người mang sẵn gene có thể giúp hồi phục mắt hỏng

  •  
  • 503

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra tương tự như cá hay bò sát, con người cũng có khả năng tự tái tạo những cơ quan cảm giác bị hư hại như mắt.

Theo kênh truyền hình RT, trong quá trình tiến hóa, bộ gene có thể giúp hồi sinh các bộ phận cơ thể con người đã bị “tắt đi”.

Do cấu trúc và cơ chế hoạt động của cơ quan cảm giác như mắt rất phức tạp, với một loạt các tế bào hình nón và que tiếp nhận và truyền tải dữ liệu ánh sáng lên hệ thần kinh trung ương, giới y khoa không thể tái tạo mô võng mạc theo cách giống như những gì làm với các mô bị tổn thương khác ở da hoặc xương.

Chấn thương về mắt là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh mù mắt trên thế giới.
Những chấn thương về mắt, cụ thể hơn là tổn thương võng mạc, là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh mù mắt trên thế giới. (Ảnh: Getty Images)

Tuy nhiên, những loài động vật như cá sọc vằn có thể tái tạo mô cơ quan thị giác. Đáng ngạc nhiên là 70% gene người tương tự bộ gene của loại cá trên, bao gồm cả gene có khả năng tái tạo mô thị giác.

Theo nhà khoa học chuyên về thần kinh Seth Blackshaw làm việc tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), khả năng này có sẵn trong cơ thể nhiều loài động vật gồm cả con người. Song trong quá trình biến hóa, khả năng đó đã bị tiêu biến.

Chuyên gia Blackshaw giải thích: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng tiềm năng tái sinh là có ở các loài động vật có vú, bao gồm cả con người, nhưng một số áp lực tiến hóa đã khiến khả năng đó tiêu biến”.

Khi hình thành một sinh linh trong bụng người mẹ, võng mạc hình thành như một phần mở rộng của bộ não phát triển ở bên ngoài cơ thể. Trong võng mạc, các tế bào thần kinh đệm Müller hoạt động như một lớp màng bảo vệ mắt, làm sạch các chất dẫn truyền thần kinh và các mảnh vụn khác nhau trong mắt, đồng thời kích hoạt phản ứng miễn dịch khi cần thiết.

Ở một số loài động vật, chẳng hạn như cá và bò sát, các tế bào Müller này cũng tái tạo các tế bào thần kinh truyền tín hiệu ánh sáng đã nhận từ mắt đến não để xử lý.

Nhà nghiên cứu Thanh Hoang cùng các đồng nghiệp đến từ Đại học Johns Hopkins đã kiểm tra các gene được tìm thấy trong tế bào ở cá sọc vằn, gà con và chuột, cũng như theo dõi cách chúng phản ứng với tổn thương võng mạc ở ba loài.

Các gene này sau đó đã kích hoạt phản ứng miễn dịch để phong tỏa các mô bị tổn thương và ngăn chặn sự lây nhiễm.

Tuy nhiên, trong các tế bào động vật có vú như chuột, một mạng lưới trong cơ thể đã ngăn chặn các gene kích hoạt trước khi chúng có thể bắt đầu biến đổi thành các tế bào tái sinh như ở các loài động vật không vú khác.

Bằng cách tìm hiểu cơ chế cơ bản chi phối các tế bào, các nhà nghiên cứu có thể kích thích các tế bào bắt đầu tái tạo tế bào thần kinh võng mạc ở chuột trưởng thành sau khi chúng gặp chấn thương ở mắt.

Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng việc mất khả năng tái sinh này có thể là một sự đánh đổi trong quá trình tiến hóa.

“Chúng tôi biết rằng một số loại virus, vi khuẩn và thậm chí cả ký sinh trùng có thể tác động đến não. Điều này sẽ là một thảm họa nếu các tế bào não bị nhiễm trùng phát triển và lây lan qua hệ thần kinh”, chuyên gia Blackshaw lý giải.

Mặc dù công trình của các nhà khoa học đại học Johns Hopkins vẫn cần phải nghiên cứu thêm và mục tiêu con người có thể tái tạo các cơ quan cảm giác bị tổn thương như mắt vẫn còn rất xa mới đạt được song nó cũng mở ra cơ hội tiềm năng cho người mù trên toàn thế giới.

Cập nhật: 12/10/2020 Theo Báo Tin Tức
  • 503