Con người sắp thao túng được giấc mơ

  •  1 2 3 4 5
  • 1.697

Hy vọng biến đổi giấc mơ theo ý muốn của con người đã tiến một bước gần hơn với hiện thực, khi các nhà khoa học Mỹ có khả năng thao túng những gì chuột thí nghiệm “nhìn thấy” trong lúc ngủ.

Giới khoa học từng khám phá được rằng, trong lúc ngủ, một khu vực trong bộ não người có tên gọi vùng mã thị có chức năng “trình chiếu lại” các sự kiện diễn ra trong ngày theo một chu trình có thể giúp củng cố các ký ức của “khổ chủ”. Điều tương tự cũng được phát hiện ở những con chuột mơ chạy xuyên qua các mê cung sau một ngày hoạt động trong phòng thí nghiệm ở Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Trong nghiên cứu mới của MIT, các nhà nghiên cứu Matthew Wilson and Daniel Bendor đã sử dụng tín hiệu âm thanh để huấn luyện chuột chạy xuyên qua một mê cung. Theo đó, một âm thanh hướng dẫn các con vật thí nghiệm tới phần thưởng ở bên phải của đường chạy và âm thanh khác hướng chúng tới phần thưởng ở bên trái.

Thành công trong việc thao túng giấc mơ của chuột mở ra triển vọng biến việc điều khiển giấc mơ của con người thành hiện thực.
Thành công trong việc thao túng giấc mơ của chuột mở ra triển
vọng biến việc điều khiển giấc mơ của con người thành hiện thực.

Bộ não của các con chuột thí nghiệm cho thấy những kiểu hoạt hóa riêng biệt của các bộ nơron thần kinh nhất định trong vùng mã thị, phụ thuộc vào việc chúng chạy về phía bên phải hay bên trái của mê cung. Những nơron thần kinh này thông báo cho các con chuột biết về vị trí không gian cũng như tạo ra những kiểu hoạt hóa nhất định khi con chuột thay đổi vị trí.

Khi các con chuột ngủ, nhóm nghiên cứu tái phân tích hoạt động thần kinh ở vùng mã thị. Trong giấc ngủ không thuộc giai đoạn REM (ngủ mơ), cứ 5 - 10 giây, nhóm nghiên cứu cho phát một âm thanh ngẫu nhiên, bao gồm cả 2 âm thanh gắn với 2 phía của mê cung. “Khi âm thanh gắn với phía bên trái của mê cung được xướng lên, nội dung giấc mơ được chuyển tới những ký ức về việc chạy xuống phía trái của mê cung. Tương tự, khi âm thanh gắn với bên phải vang lên, nội dung giấc mơ được chuyển tới phía phải của mê cung”.

Ngay cả khi các âm thanh chỉ được phát trong không đầy 1 giây, ảnh hưởng tới nội dung giấc mơ vẫn xuất hiện trong 5 - 10 giây. “Do đó, các âm thanh không đơn giản chỉ dẫn dắt nội dung giấc mơ, mà dường như còn phân định hoặc lựa chọn những ký ức sẽ được tái hiện sau đó”, ông Wilson cho biết trên trang Live Science.

Hiện tượng trên không xuất hiện khi các con chuột thức và không ở trong mê cung.

Kết quả nghiên cứu của nhóm Wilson cho thấy con người có thể thay đổi các ký ức trong lúc ngủ. Điều này mở ra triển vọng kiểm soát sâu rộng hơn quá trình “gia cố trí nhớ” trong lúc ngủ nhằm lầm nổi bật các ký ức được chọn và ngăn chặn hoặc thay đổi những ký ức không mong muốn.

Theo Vietnamnet, Livescience
  • 1 2 3 4 5
  • 1.697