Khi chúng ta nói chuyện về bản thân với người khác, nó gây ra các phản ứng hóa học trong cơ thể giống như quan hệ tình dục hay cảm giác hài lòng khi được ăn ngon.
Một nghiên cứu gần đây thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Harvard, Mỹ cho thấy, con người dành tới 40% thời gian để nói về bản thân mình.
Sau khi chụp ảnh cộng hưởng từ (fMRI) để kiểm tra những người trả lời, các nhà khoa học phát hiện, khi người ta nói về bản thân, một phản ứng hóa học được kích hoạt trong cơ thể họ tương tự như khi xảy ra trong lúc quan hệ tình dục, University Herald đưa tin.
Ảnh: universityherald.com
Nhóm khoa học thực hiện hai kiểu thí nghiệm ở 195 đối tượng. Trong thử nghiệm đầu tiên, người tham gia được yêu cầu nói về chính mình, trong đó có ý kiến về bản thân và đặc điểm tính cách của họ. Trong thử nghiệm thứ hai, người tham gia được yêu cầu nói chuyện về ý kiến và đặc điểm người khác mà họ biết.
Ở tất cả các buổi nói chuyện, nhóm nghiên cứu tính toán lưu lượng máu trong não người tham gia. Công nghệ quét não có thể nhận ra thay đổi lưu lượng máu đến các bộ phận nhất định của não bộ khi họ phải đối mặt với tác nhân kích thích.
Nhóm khoa học cho biết, lúc ai đó tham gia nói chuyện về bản thân có sự gia tăng hoạt động của vỏ não trung gian trước trán (MPFC), vùng não nucleus accumbens (NACC) và khu vực não ventral tegmental (VTA). NACC và VTA là hai vùng não được biết đến với việc sản xuất dopamine, một chất hóa học kiểm soát hệ thống niềm vui của con người.
Nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng, mức độ hoạt động tương tự của vùng não NACC và VTA xảy ra khi một người quan hệ tình dục, dùng cocaine, ăn thức ăn ngọt hoặc khi con người vui mừng.
Giới khoa học kết luận rằng, mọi người sẽ cảm thấy dễ chịu khi người khác nói chuyện tốt về mình, nhưng niềm vui đó còn tăng lên hơn nữa khi nói chuyện về bản thân mình với người khác.