Cơn sốt từ những ngôi nhà trên mạng

  •  
  • 101

Theo Nhà xuất bản từ điển Merriam - Webster, từ “blog” được tra nhiều nhất trong năm 2004 và cho đến thời điểm đầu năm 2007, loại nhật ký trực tuyến đã “làm mưa làm gió” trên mạng, tạo nên một cơn sốt trong giới trẻ.

Năm 2006, blog bùng nổ như nấm mọc sau mưa, nhiều người Việt trẻ đã “ăn blog, ngủ blog” và không thể hình dung cuộc sống mình sẽ thế nào nếu thiếu blog. Ai đó đã tự hỏi blog là gì mà có sự lan tỏa ghê gớm như vậy?Lập tức họ nhận ngay câu trả lời: “Blog là tất cả những gì bạn muốn” .

Nghe có vẻ hơi cường điệu, nhưng điều đó càng khẳng định sự “vạn năng” của blog. Blog đang giúp cho hàng triệu người thể hiện Cái Tôi của mình với toàn thế giới một cách vô cùng đơn giản.

Thậm chí ngay cả đối với một người “mù” về tin học, chỉ cần vài thao tác trên mạng họ đã có ngay một căn “nhà ảo” và mời gọi cả nhân loại ghé thăm.

“Blog là góc… con người”

Nguyễn Diệu Linh, chủ nhân của blog có 145.965 lượt khách tham quan, tâm sự: “Hầu như 8X nào bây giờ cũng có blog, bất kể bạn là ai, giàu hay nghèo, học vấn ra sao. Em đã chứng kiến 2 cô bé gội đầu ở trọ cạnh nhà hàng xóm vẫn có blog mặc dù i tờ về vi tính. Blog giờ phổ biến như nickname hay điện thoại di động vậy thôi”.

Về lĩnh vực blog, hiện tại nhà cung cấp dịch vụ Yahoo đang được ưa thích nhất với khoảng hơn 5 triệu người Việt Nam, trong đó 3-5% là blogger, chủ yếu là giới trẻ.

Một số tính năng hấp dẫn của Yahoo khiến giới trẻ rất hứng thú như comment (bình luận), total page views (thống kê lượng người tham quan blog), creat pooll (thăm dò ý kiến), custommize your theme (tự tạo hình ảnh nền)…

Những tính năng ấy quá đủ để giới trẻ phô diễn những khả năng còn ẩn giấu như mỹ thuật, văn chương, nhiếp ảnh, thiết kế cũng như thể hiện cá tính của mình. Vì vậy, câu “cái răng, mái tóc là góc con người” nay được cải biên như sau “Blog là… góc con người”.

Nhưng điều quan trọng nhất khiến blog trở nên thịnh hành là do blog là một cuốn nhật ký online giúp người ta trút vào đó mọi tâm sự nỗi niềm. Một cuốn nhật ký mà có thể cả vạn người đọc, xóa nhòa mọi khoảng cách, không gian và thời gian.

Ngày…, lần đầu tiên mình gặp ánh mắt ấy. Nó theo mình đến tận giấc ngủ sâu nhất”.

Ngày…hôm nay mình xem đoạn video clip về cảnh ông Saddam Hussein bị treo cổ. Cảnh tượng hãi hùng ấy ám ảnh mình có lẽ suốt đời. Tại sao cảnh giết người man rợ ấy vẫn được quay và phát tán như một chiến thắng của công lý?”.

Những dòng như vậy dễ dàng bắt gặp trên nhiều blog. Nói chung, người ta có thể viết bất cứ chủ đề gì, để chia sẻ, để khuyên can, bình luận, góp ý, hoặc đơn giản để xả stress…

Có những blog được chủ nhân của nó đầu tư biến thành một “thông tấn xã” cá nhân với nhiều bài hấp dẫn thu hút được hàng vạn người truy cập. Và năm 2006, đã nổi lên những blog gây đình đám, gây sốt, gây sốc cho cư dân trên mạng.

“Đột nhập” những blog hot nhất 2006

Blog thuộc hàng “top của đỉnh” phải kể đến blog cá nhân của Cường OZ có loạt bài “Dân chơi Hà thành”. Vào blog này đặc biệt ấn tượng bởi những bức ảnh cực hot như ảnh một tuổi teen cỡi xe @, để lộ tấm lưng trần trắng ngần xăm hình con bướm. Ảnh 3 gã thanh niên choai đang bốc đầu xe với chú thích “Tổ lái 3 người trong cuộc đua xuống… Văn Điển nhanh nhất 2006”.

Loạt bài Dân chơi Hà thành trên blog

Độ “chơi” còn thể hiện ở những “quả” đầu kỳ dị đủ màu xanh đỏ tím vàng, những chiếc xe hơi thực sự “độc” mà ngay cả xe của “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng cũng phải xếp sau. Gây “choáng” hơn cả là hình ảnh các nữ sinh trong trang phục “con nhà nghèo” đang thác loạn ở vũ trường…

Khi loạt bài “Dân chơi Hà thành” này xuất hiện trên mạng với độ nóng tăng dần, lập tức giới học sinh trung học tại Hà Nội tới tấp gửi đường link cho nhau. Những “phóng sự” về các cảnh ăn chơi được cho là “người thật việc thật” đã khiến không ít cô cậu học trò bỏ học ra hàng internet để “chiêm ngưỡng”. Kết quả, loạt “phóng sự“ và ảnh của “Dân chơi Hà thành” đã hút gần 1 triệu người truy cập!

Ngay sau khi “Dân chơi Hà thành” phát tán, lập tức xuất hiện những entry, commentary (bình luận) phản bác. Theo các blogger này, đó là phóng sự “ma” do Cường OZ cóp nhặt, gán ghép, nhào nặn trên mạng.

Trong một diễn biến khác, trường PTTH Việt Đức đã phải triệu tập toàn bộ nữ sinh của trường để kiểm tra bức ảnh Cường post lên chú thích nữ sinh của trường này “khoe hàng”. Kết quả: Những hình ảnh đó hoàn toàn không có thật. Và một kết cục có hậu đã diễn ra: “hot blog” của Cường OZ sau đó đã không thể truy cập vào được nữa.

Sự biến mất này được cư dân mạng phỏng đoán blog của Cường OZ đã bị hacker “áo trắng” xóa sổ. Cường đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi đã làm xấu hình ảnh của một số trường PTTH tại Hà Nội trong xê ri bài viết Dân chơi Hà thành.

Và sau khi đăng tải xê ri bài viết đó, Cường OZ đã phải chịu một con bão chỉ trích, nên có thể đã phải “bỏ của chạy lấy người”. Sau đó, blog của Cường được mở lại nhưng loạt phóng sự kia đã không còn.

Thực tế cho thấy những blog “đen” luôn “đoản thọ” vì bị giới trẻ tẩy chay đến mức không có đất sống.

Năm 2006, một “cuộc chiến” blog khác cũng khá ầm ĩ khi mà có entry của blogger có nick name Bé crys đưa ra những nhận xét “thiếu hiểu biết” về văn hóa Hà Nội. Ngay lập tức, hàng nghìn lời comment, chỉ trích, chửi rủa của các blogger Hà Nội ào ào đổ vào blog của Bé crys. Thậm chí nhiều blogger còn đưa lời đe dọa...

Bên cạnh những blog hot gây dư luận, năm qua, blog của một kẻ “ngoại đạo” Joe. Đó là chàng trai đến từ Vancover, Canada đã sống ở Việt Nam 3 năm, tự nhận tiếng Việt mình còn “củ chuối” nhưng thực tế viết tiếng Việt “hay kinh điển”, gây được hứng thú cho cư dân mạng.

Năm qua cuốn tiểu thuyết “Phải lấy người như anh” của cô gái trẻ Trần Thu Trang ít nhiều gây được dư luận và blog của tác giả này cũng được nhiều người ghé thăm vì họ tìm thấy ở đây “sự trong sáng của tiếng Việt”.

Blog = một cộng đồng trẻ gắn kết và chia sẻ hơn

Võ Hồng Thái, phóng viên của báo điện tử Thời báo Việt cho rằng: “Blog cho phép hình thành một cộng đồng giao tiếp lành mạnh và tạo cho con người thói quen chia sẻ. Dưới góc độ xã hội, trào lưu blog đang tạo nên một cộng đồng trẻ năng động, tự tin và gắn kết hơn.

Nhiều vấn đề thiết thực đã được các bạn trẻ đưa lên blog để bình luận như quan hệ tình dục trước hôn nhân, cấm thuốc lá, xin việc như thế nào cho hiệu quả…

Tuy nhiên có những blog thiếu lành mạnh, nhưng tôi nghĩ nó không ngăn được việc hình thành một thứ văn hóa blog đẹp, lành mạnh
”.

Thật thú vị, trong ngày đầu năm mới, tôi được biết một câu chuyện như cổ tích – mà nhân vật ông Bụt lại mang tên “Blog”.

Có một dòng tâm sự thế này: “Mình tên Thái, em trai mình sẽ chết nếu như không có tiền để chạy thận nhân tạo. Mình rất mong được sự giúp đỡ chia sẻ của mọi người. Xin liên hệ với mình theo địa chỉ [email protected] hoặc số điện thoại: 0983.843537 (bất kể ngày đêm)”.

Ít ngày sau, xuất hiện những dòng này trên blog cá nhân của Thái: “Em trai mình đã sống nhờ sự giúp đỡ của mọi người. Mình không ngờ những lời cầu cứu trong vô vọng trên mạng lại được hồi mạng ngay tức thì. Mạng ảo nhưng sự giúp đỡ thì rất thực. Cảm ơn mọi người, cảm ơn blog của tôi”.

* Blog “thịnh” khiến forum “suy”

Khi chính các diễn đàn đang phải cạnh tranh gay gắt với nhau thì chúng đã bị “đàn kiến” blog kéo vào “chia khách”. Ví dụ có vài chục diễn đàn về âm nhạc, trong đó có vài diễn đàn “đắt khách” đã đủ làm khán giả hoa mắt. Nay trên blog, ai cũng có quyền bàn về âm nhạc, và trong số đó, khó đếm xuể những người biến blog của mình thành nơi thảo luận những chủ đề nóng về âm nhạc trong và ngoài nước.

Thế là những bài hay do các thành viên viết ra, ngày trước còn đưa lên forum để thảo luận thì nay post lên blog để bạn bè “comment”.

Một điều rõ ràng là blog “riêng”, còn forum “chung”. Cả hai đều có sự tự do nhất định, “ăn nói gói mở” không mất tiền, nhưng bao giờ người ta cũng quan tâm đến cái riêng, gần gũi với mình hơn. Chưa kể lập forum thì khá phức tạp, tốn kém, còn blog thì thích bao nhiêu cũng có.

* Blog sẽ là lĩnh vực nóng trong thời gian tới

Theo một báo cáo quốc tế, có khoảng 77% tác giả blog khẳng định họ viết bài là để bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ của mình chứ không phải để “gây chú ý hay kiếm thêm thu nhập”.

Phần lớn công chúng của blog là giới trẻ, có 54% blogger ở độ tuổi dưới 30. 55% blogger thường xuyên sử dụng bút danh khi viết bài. Cứ 10 blogger thì 9 thường xuyên khuyến khích độc giả cho lời bình luận.

Các chuyên gia đoán rằng blog sẽ vẫn là lĩnh vực nóng trong thời gian tới. Có 82% blogger khẳng định họ sẽ còn viết blog trong ít nhất 1 năm nữa.

Theo Vnnet

Phùng Nguyên

Theo Tiền Phong
  • 101