Công nghệ đưa thẳng kiến thức vào não kiểu Ma trận

  •  
  • 2.816

Các nhà nghiên cứu Mỹ đang phát triển một thiết bị mô phỏng có thể đưa thông tin trực tiếp vào não người và dạy họ những kỹ năng mới trong thời gian ngắn.

Trong bộ phim khoa học viễn tưởng Ma trận, nhân vật chính tên Neo có thể học kung fu chỉ vài giây sau khi các thế võ được tải thẳng vào não anh ta. Nhóm nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm HRL tại California, Mỹ, cho biết họ đã tìm ra công nghệ có tác dụng tương tự trong phim.

Các nhà khoa học nghiên cứu tín hiệu điện trong não một phi công đã qua đào tạo, sau đó đưa dữ liệu vào não những đối tượng nghiên cứu mới học lái máy bay trên thiết bị mô phỏng chuyến bay thực. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Frontiers in Human Neuroscience vào cuối tháng 2, đối tượng nhận kích thích não thông qua một chiếc mũ đội đầu gắn điện cực có khả năng lái trội hơn và đáp ứng nhiệm vụ tốt hơn 33% so với nhóm còn lại.

Một đối tượng tham gia thử nghiệm công nghệ kích thích não bộ.
Một đối tượng tham gia thử nghiệm công nghệ kích thích não bộ. (Ảnh: Gizmodo).

"Hệ thống của chúng tôi là công nghệ đầu tiên ra đời dưới dạng kích thích não bộ. Nó có vẻ giống trong phim khoa học viễn tưởng, nhưng việc phát triển hệ thống dựa trên nền tảng khoa học chắc chắn", tiến sĩ Matthews Phillips, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.

"Nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta đang xem xét là lái máy bay, một việc đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa nhận thức và vận động. Khi bạn học điều gì đó, não bạn thay đổi về mặt thể chất. Những kết nối ra đời và được củng cố trong quá trình mang tên cơ chế thần kinh mềm dẻo. Một số chức năng của bộ não như lời nói và trí nhớ nằm ở các khu vực cụ thể của não với kích thước bằng ngón tay út", Phillips nói.

Tiến sĩ Phillips tin rằng kích thích não bộ có thể được sử dụng cho những hoạt động từ học tập đến lái xe, trong quá trình chuẩn bị trước kỳ thi và học ngôn ngữ.

"Bản thân phương pháp này có từ khá lâu. Người Ai Cập cổ đại cách đây 4.000 năm đã sử dụng những con cá phát điện để kích thích và làm giảm cơn đau. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học về phương pháp này bắt đầu từ những năm 2000 và chúng tôi đang hướng đến tùy chỉnh kích thích theo hướng hiệu quả nhất", Phillips chia sẻ.

Cập nhật: 03/03/2016 Theo VnExpress
  • 2.816