Công nghệ nhận diện "vân mắt"

  •  
  • 1.592
Cảnh sát New York vừa trình làng một công nghệ mới khi sử dụng những máy quét (scan) tròng đen mắt để xác định danh tính các nghi phạm, khiến họ không thể đội lốt người khác.

Nhà chức trách đã quyết định bắt đầu chụp ảnh tròng mắt những nghi phạm, sau khi hai kẻ bị tình nghi về những tội ác nghiêm trọng đã thoát được án tù giam trong phiên xét xử bằng cách sử dụng danh tính của những nghi phạm rất nhẹ tội khác.

Thế là, hiện thời, một số nghi phạm Manhattan bị tạm giữ, ngoài việc bị chụp những tấm ảnh đúng quy định và lấy dấu vân tay, sẽ phải nhìn sát vào một thiết bị trông giống như "một chiếc máy đo mắt của bác sĩ nhãn khoa" để được lưu lại những ảnh chụp tròng mắt.


Cảnh sát New York đang sử dụng những máy quét (scan) tròng đen mắt để xác định danh tính các nghi phạm, khiến chúng không thể đội lốt người khác hòng đánh bại hệ thống pháp luật. (Ảnh Aol News)

Trước khi đối mặt với thẩm phán, các nghi phạm sẽ nhìn vào một máy scan cầm tay để được kiểm tra danh tính lần thứ hai bằng cách sử dụng những bức ảnh có độ phân giải cao để so sánh sự trùng khớp của các mẫu đặc trưng trong chi tiết màu mắt của họ so với những bức ảnh chụp tròng mắt được lưu trước đó.

Các viên chức cảnh sát cho biết chương trình trị giá 500.000 USD này - dự định được mở rộng đến nhiều khu vực khác của thành phố New York vào trước cuối năm nay - là một cách để ngăn chặn các nghi phạm có khả năng nguy hiểm đánh bại hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên các tổ chức bênh vực quyền tự do cá nhân cho rằng các thiết bị scan tròng mắt Sci-Fi-Style có thể tước đoạt mất sự riêng tư của người dân New York.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Quyền Tự do Công dân New York, Donna Lieberman tuyên bố cảnh sát đã không chứng minh được rằng các máy scan tròng mắt này là cần thiết, có lợi hơn hoặc đáng tin cậy trong việc nhận dạng những kẻ tình nghi.

"Mỗi khi cảnh sát bắt đầu thu thập thông tin cá nhân và bắt đầu đưa thông tin vào cơ sở dữ liệu, là chúng tôi đều trở nên lo lắng", bà Lieberman phát biểu với báo chí.
Theo Bee, Aol News
  • 1.592