Đến năm 2010, số lượng bò sữa phải đáp ứng trên 40% lượng sữa tiêu dùng trong nước... Tuy nhiên, các chuyên gia chăn nuôi lo ngại bò sữa Việt Nam thiếu đồng cỏ xanh và nước sạch!
Bò không chỉ cần đủ thức ăn, nước uống sạch mà còn cần bầu không khí trong lành, nơi nghỉ ngơi sạch sẽ và được đi lại thoải mái. Những con bò sống trong môi trường dễ chịu cho nhiều sữa hơn, khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn...
Đồng cỏ xanh: Thách thức phát triển đàn bò sữa
Đàn bò sữa Việt Nam thường sống trong điều kiện không gian hạn hẹp, nhiều tiếng ồn, thiếu ánh sáng, nguồn nước không đảm bảo... Điều này đã hạn chế phần nào khả năng tăng sản lượng sữa của bò. (Ảnh: H.Cát) |
"Đã có nhiều dự án nhập bò thuần từ Úc, New Zealand, Cuba về nuôi, đặc biệt tập trung giống tại trung tâm bò sữa Ba Vì. Đa số bò sữa nhập về đều là bò ôn đới, do đó, đối với điều kiện miền Nam, nuôi bò sữa thuần bị ảnh hưởng rất lớn vì thời tiết và thức ăn," ThS. Hải nói.
Bò sữa đang nuôi phổ biến hiện nay, đặc biệt giống bò sữa cao sản Holstein Frisian (nguồn gốc Hà Lan), đều có từ 50% - 87,5% máu bò sữa xứ lạnh. Do đó, khả năng chịu đựng khí hậu nóng ẩm nhiệt đới của chúng kém.
Ông Hoàng Kim Giao, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết, hai nơi đủ điều kiện khí hậu để nuôi bò sữa tốt nhất là Lâm Đồng và Mộc Châu. Trong đó, đàn bò sữa Mộc Châu được chăm sóc tốt hơn.
Chị Vũ Thị Nhỡ, chủ nhân của chú bò sữa vừa đoạt giải bò có sản lượng sữa cao nhất hội thi và bò đạt giải "Á hậu" của cuộc thi Hoa hậu Bò sữa Mộc Châu - 2007 cho rằng, một trong những bí quyết để sản lượng sữa nhiều là các đàn bò sữa được sống trong môi trường yên tĩnh. Từng con bò đều có một vùng không gian đủ rộng để đi lại, vận động. Nhờ đó, tay chân khoẻ mạnh và cơ bắp săn chắc.
Nằm tại thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cách Hà Nội 194km về phía Tây Bắc, nông trường Mộc Châu có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 1.600 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 969 ha. Tổng đàn bò sữa trên 3.500 con, hàng năm sản xuất trên 10.000 tấn sữa. Trong đó hơn 3.200 con bò sữa đều là giống bò cao sản Holstein Frisian.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 167/2001/QĐ-TTg ngày 26/10/2001, chăn nuôi bò sữa sẽ phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sữa trong nước, từng bước thay thế sữa nhập khẩu. Đến năm 2010, số lượng bò sữa phải đáp ứng trên 40% lượng sữa tiêu dùng trong nước; sau những năm 2010 đạt 1 triệu tấn sữa. Trong thời gian gần đây, người Việt Nam đang dần thay đổi thói quen. Họ chú trọng đến việc uống sữa và chất lượng sữa. Chất lượng sữa đạt chuẩn thường phải thỏa mãn một vài chỉ số như: vật chất khô (12,5%), béo (>3,5%), đạm (3,3 - 3,5%), đường lacto (4,5%). Ngoài ra sữa tươi phải đảm bảo chỉ tiêu vi sinh, không có vi khuẩn gây bệnh như E.Coli, Samonella.... |
"Mặt hạn chế của Việt Nam là rất khó tìm thấy những trang trại bò sữa với những đồng cỏ xanh ngát. Đồng cỏ ở Việt Nam rất hẹp. Cỏ chủ yếu được trồng bên ngoài, và đem về chuồng cho bò ăn. Vì vậy, thời gian thả bò ở Việt Nam rất ngắn trong khi ở nước ngoài, người ta có thể thả bò ra ngoài đồng gần như suốt ngày," ông Giao nói.
Mỗi bò sữa cần 150 lít nước/ngày
Đàn bò sữa tại Việt Nam thường sống trong điều kiện không gian hạn hẹp, nhiều tiếng ồn, thiếu ánh sáng, nguồn nước không đảm bảo... Điều này đã hạn chế phần nào khả năng tăng sản lượng sữa của bò.
Không chỉ có vậy... các nghiên cứu cho thấy cách thức cho ăn và nguồn thức ăn cho bò đang trở nên ngày càng quan trọng. Lượng sữa được sản xuất ra phụ thuộc chủ yếu vào số lượng và chất lượng thức ăn mà bò ăn vào. Chế độ ăn dành cho bò sữa khá ngặt nghèo. Lượng cỏ tươi phải dồi dào và đa dạng, như: cỏ voi, cỏ signal, cỏ yến mạch, cỏ sao... Ngoài ra, để sản xuất 10kg sữa (tương đương 10 lít sữa), bò cần thêm 4kg thức ăn tinh mỗi ngày, gồm: ngô, cám gạo, bột đậu tương, bột xương thịt, vitamin, khoáng chất.
Bên cạnh đó, phải kể đến một yếu tố rất quan trọng với sản lượng sữa của đàn bò là nguồn nước.
90% sữa là nước, vì vậy sẽ không có gì ngạc nhiên khi lượng nước uống của bò có ảnh hưởng lớn đến sản lượng sữa. Khi bò được cung cấp đủ nước sạch, bò sẽ uống nhiều hơn, ăn nhiều hơn và tạo ra nhiều sữa hơn.
Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng khối lượng nước phải cung cấp cho đàn bò rất lớn. Một kg chất khô, bò hấp thụ vào sẽ cần đến 5 lít nước. Bò sẽ cần ít nhất 3 lít nước để tạo nên một lít sữa. Điều này có nghĩa là, những con bò cao sản sẽ cần hơn 150 lít nước hàng ngày.
Với khí hậu nóng và khô, lượng nước này sẽ cao hơn. Bò thích uống nước nhanh - có thể đến 20 lít/phút. Nếu không đạt được mức này, lượng nước hấp thụ vào có thể giảm đi và sản lượng sữa sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ như lượng nước hấp thụ giảm 40% có thể làm giảm sản lượng sữa khoảng 25%.
Các chuyên gia chăn nuôi lo ngại bò sữa Việt Nam thiếu đồng cỏ xanh và nước sạch. (Ảnh: H.Cát) |
Một điều rất quan trọng khi nói về nguồn nước, đó là chất lượng nước. Bò thích uống nước sạch và mát, thậm chí chúng còn nhạy cảm với chất lượng nước hơn con người. Không chỉ vậy, nuôi bò sữa phụ thuộc nhiều vào cỏ mà cỏ dành cho bò cũng chứa đến 90% nước. Thông qua đất, cỏ hút nước và cung cấp cho bò.
Kết hợp với các yếu tố khác như thiết kế chuồng trại, hệ thống vắt sữa, chăm sóc đàn bò....để tạo nên môi tường sống thoải mái cho đàn bò, đàn bò sữa Việt Nam sẽ được cải thiện và tăng trưởng trong thời gian không lâu.
Hương Cát