Cứng hông là bệnh gì, khi nào thì nguy hiểm?

  •  
  • 251

Dưới đây là những thông tin cần biết liên quan tới cứng hông là bệnh gì, cứng hông khi nào thì nguy hiểm, điều trị và phòng ngừa cứng hông như thế nào,...

1. Điều gì gây ra cứng hông?

Hông bị cứng có thể là kết quả của một chấn thương ngắn hạn hoặc một phần của tình trạng suy nhược mãn tính.

Rách sụn hông Hip labral tear (Rách sụn viền ổ cối) có thể xảy ra khi bạn tập các môn thể thao cường độ cao như chạy bộ dẫn tới đau cứng hông.

Bạn cũng có thể bị cứng hông sau khi tập thể dục do cơ gập hông (Hip Flexor - một phần của cơ lõi, đây là nhóm cơ chạy từ cột sống xuống xương đùi và giúp cho xương chậu của bạn thẳng hàng) bị căng. Đây thường là một tình trạng tạm thời.

 Có nhiều nguyên nhân gây cứng hông.
Có nhiều nguyên nhân gây cứng hông. (Ảnh: ST).

Một số tình trạng sức khỏe mãn tính khác có liên quan tới cứng khớp háng bao gồm:

Viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp, còn được gọi là ankylosing spondylitis (AS), là một bệnh viêm mạn tính chủ yếu ảnh hưởng đến cột sống và có thể lan rộng đến các khớp khác như hông. Tình trạng viêm này có thể dẫn đến sự cứng lại của cột sống và hông, làm giảm độ linh hoạt cũng như khả năng vận động của người bệnh.

Triệu chứng cứng khớp thường nặng hơn vào buổi sáng khi thức dậy. Điều trị viêm cột sống dính khớp bao gồm việc sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc làm chậm tiến triển bệnh và các bài tập vật lý trị liệu nhằm duy trì khả năng vận động và giảm đau.

Viêm khớp tự phát ở thiếu niên (juvenile idiopathic arthritis (JIA))

Bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên không phải là bệnh đơn thuần; thuật ngữ này áp dụng cho một số bệnh viêm khớp mạn tính, không nhiễm trùng xảy ra ở trẻ em và có một số đặc điểm chung. Trẻ thường bị đau cứng khớp và sưng do tràn dịch dẫn tới hạn chế vận động. Tuy nhiên cũng có những trường hợp bị viêm khớp tự phát ở thiếu niên mà không có triệu chứng đau.

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp, hay còn gọi là osteoarthritis, là tình trạng mòn dần của sụn khớp do quá trình lão hóa hoặc do chấn thương. Khi sụn khớp bị mòn, các xương có thể cọ xát trực tiếp vào nhau khi khớp vận động, gây đau và cứng khớp, bao gồm cả khớp hông. Cứng khớp hông từ thoái hóa khớp thường tăng lên sau khi nghỉ ngơi hoặc sau thời gian dài không vận động và có thể giảm nhẹ sau khi khớp được khởi động.

Điều trị cho tình trạng này có thể bao gồm các phương pháp như tập luyện, giảm cân, sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm, và trong một số trường hợp nặng hơn có thể cần đến phẫu thuật thay khớp.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, mạn tính và thường xảy ra ở nhiều khớp khác nhau trên cơ thể, trong đó có khớp hông. Bệnh này gây viêm và sưng tấy, dẫn đến đau và cứng khớp, đặc biệt là sáng sớm hoặc sau khi ngồi yên lâu. Cứng khớp hông do viêm khớp dạng thấp có thể làm giảm khả năng vận động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Việc điều trị thường bao gồm thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, và các phương pháp vật lý trị liệu, và trong một số trường hợp có thể cần phải phẫu thuật. Để nhận được sự chăm sóc tốt nhất, người bệnh nên tuân thủ theo lời khuyên và kế hoạch điều trị của bác sĩ.

Viêm bao hoạt dịch

Viêm bao hoạt dịch, còn được gọi là bursitis, là một tình trạng viêm của các túi bao hoạt dịch, những cấu trúc nhỏ chứa dịch nằm ở các khớp và giúp giảm ma sát khi cơ bản vận động. Khi bao hoạt dịch ở hông bị viêm, nó có thể gây ra các triệu chứng như đau và cứng khớp, làm ảnh hưởng đến việc di chuyển.

Điều trị cho viêm bao hoạt dịch bao gồm việc nghỉ ngơi, áp dụng lạnh hoặc nóng lên vùng đau, sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), tiêm corticosteroid để giảm viêm nếu cần, và thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để cải thiện khả năng vận động và giảm đau.

Bệnh Legg-Calvé-Perthes

Bệnh hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi ở trẻ em còn được gọi là bệnh Legg-Calvé-Perthes, là một tình trạng y khoa ở trẻ em trong đó có sự mất máu tới chỏm xương đùi, phần trên cùng của xương đùi trong khớp hông. Sự giảm lưu lượng máu này có thể gây ra sự chết của xương (hoại tử) và có thể dẫn đến việc xương trở nên giòn và yếu. Điều này gây đau và cứng hông, ảnh hưởng đến khả năng vận động của trẻ.

Điều trị thường bao gồm việc giảm tải trọng lên khớp hông, sử dụng nẹp hoặc bột nhằm giữ chân cố định, phẫu thuật và các bài tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng của khớp hông sau khi xương đã lành lại.


Cứng hông do nguyên nhân khác nhau sẽ có biện pháp điều trị khác nhau. (Ảnh: ST).

Bệnh Lyme

Bệnh Lyme, một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Borrelia burgdorferi gây ra và thường được truyền đến người qua vết cắn của ve, có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó có những triệu chứng liên quan đến khớp như đau và cứng khớp. Cứng khớp hông có thể xuất hiện như một phần của triệu chứng viêm khớp do bệnh Lyme gây ra, đặc biệt là khi bệnh tiến triển mà không được điều trị kịp thời.

Điều trị bệnh Lyme thường bao gồm việc sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và giảm viêm, cũng như các bài tập vật lý trị liệu để cải thiện chức năng và giảm đau ở các khớp bị ảnh hưởng.

Viêm gân

Viêm gân, hay còn được gọi là tendinitis, là tình trạng viêm của gân, có thể gây đau và cứng ở vùng hông nếu gân ở khu vực này bị ảnh hưởng.

Điều trị cho viêm gân thường bao gồm việc nghỉ ngơi, áp dụng lạnh hoặc nóng lên khu vực đau, sử dụng các loại thuốc giảm đau và chống viêm, cũng như tham gia vào các bài tập vật lý trị liệu để cải thiện sự linh hoạt và giảm đau. Trong một số trường hợp, có thể cần đến các phương pháp điều trị bổ sung khác như tiêm corticosteroid hoặc liệu pháp sóng xung kích.

Ngoài ra, gãy xương hông hoặc trật khớp hông mặc dù không gây cứng hông nhưng đây là một trường hợp cần cấp cứu y tế, bạn cần nhanh chóng tới gặp bác sĩ nếu đang cảm thấy đau dữ dội và nghi ngờ rằng có thể xương hông của bạn bị gãy hoặc trật khớp.

2. Triệu chứng cứng hông

Cứng hông là cảm giác rằng khớp hông của bạn không cử động một cách dễ dàng như trước đây, và thường đi kèm với đau nhức. Bạn có thể cảm thấy như khớp hông của mình có tiếng lạch cạch hoặc tiếng nổ khi bạn vận động.

Khả năng vận động của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng. Đôi khi cứng hông có thể khiến bạn di chuyển chậm hơn so với trước đây.

3. Cứng hông khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Nếu bạn có các triệu chứng sau, bạn cần tìm kiếm sự điều trị y tế khẩn cấp:

  • Rùng mình
  • Sốt
  • Cảm giác choáng váng, mất thăng bằng như sắp ngất xỉu
  • Đau nghiêm trọng, đặc biệt là ở phần đùi trên hoặc vùng bẹn, cơn đau tăng lên khi bạn cố gắng nâng chân lên hoặc xoay ra ngoài
  • Phát ban đột ngột hoặc đỏ da xung quanh hông
  • Thay đổi hình dạng khớp hông có thể nhìn thấy được, như một dạng biến dạng hông

Bạn nên tìm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu bạn tiếp tục gặp đau hông hoặc gặp khó khăn khi di chuyển khớp hông, ngay cả khi không có chấn thương rõ ràng.

Cứng hông do chấn thương hoặc thoái hóa có thể cần phải phẫu thuật.
Cứng hông do chấn thương hoặc thoái hóa có thể cần phải phẫu thuật. (Ảnh: ST).

4. Chẩn đoán cứng hông

Bác sĩ của bạn có thể chẩn đoán tình trạng cứng hông bằng cách thu thập tiền sử y tế, thực hiện khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh.

Tiền sử y tế của bạn bao gồm:

  • Các bệnh lý đã được chẩn đoán
  • Bất kỳ té ngã hoặc chấn thương gần đây
  • Mô tả chi tiết về tình trạng cứng hông của bạn
  • Các triệu chứng khác kèm theo

Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ:

  • Quan sát da xung quanh khớp hông
  • Chạm vào khớp để xác định các khu vực nhạy cảm và phạm vi vận động của hông
  • Khám để tìm bất kỳ khó khăn hoặc dị dạng nào trong khi bạn đi lại.
  • Các chẩn đoán hình ảnh có thể bao gồm chụp X-quang hoặc chụp MRI.

5. Điều trị cứng hông

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây cứng hông là gì mà phương pháp điều trị cũng có những sự khác biệt nhất định. Bạn có thể giảm cứng hông tạm thời tại nhà bằng cách:

  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh lên vùng hông bị cứng
  • Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để cải thiện khả năng di chuyển
  • Nghỉ ngơi khi hông bị cứng hoặc đau
  • Các bài tập giúp thư giãn cơ hông, giảm căng thẳng
  • Uống thuốc chống viêm như naproxen (Aleve, Naprosyn) và ibuprofen (Advil, Motrin), có thể giúp giảm đau.

Nếu những điều trị tại nhà này không giúp giảm cứng hông, các loại thuốc mạnh hơn có thể được bác sĩ chỉ định. Điều này bao gồm thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) theo đơn, thuốc giảm đau và steroid để giảm viêm. Tiêm cortisone cũng có thể giảm cứng hông.

Cứng hông do chấn thương hoặc thoái hóa có thể cần phải phẫu thuật. Điều này bao gồm thay toàn bộ khớp hông và thường là lựa chọn điều trị cuối cùng.

Mặc dù tình trạng cứng hông không phải lúc nào cũng ngăn chặn được nhưng bằng cách duy trì cân nặng hợp lý bạn có thể giảm bớt áp lực và căng thẳng lên hông. Khởi động, duỗi cơ đúng cách khi tập thể dục cũng có thể giúp ngăn ngừa cứng hông sau tập thể dục. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu tình trạng cứng hông của bạn không được cải thiện, kéo dài kèm theo đau đớn ảnh hưởng tới sinh hoạt.

Cập nhật: 13/01/2024 PNVN
  • 251